Bỏ HĐND cấp phường, quyền lợi của nhân dân vẫn đảm bảo
Ngày 27/11 tại nghị trường Quốc hội, với 392 đại biểu tán thành (chiếm 81,16%) tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, gồm 8 điều.
Tại Nghị quyết nêu rõ, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cụ thể gồm: Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là UBND phường.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã. Nghị quyết thực hiện từ ngày 1/7/2021 đến khi Quốc hội chấm dứt việc thí điểm.
Tại điều 3 về việc UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm: Xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND.
Căn cứ vào nghị quyết của HĐND cùng cấp, quyết định giao và điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các phường trực thuộc, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách; Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc.
Đối với nhiệm vụ của Chủ tịch UBND quận, thị xã được quy định cụ thể gồm: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; Tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường.
Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường bao gồm: Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND quận, thị xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với UBND quận, thị xã; Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu HĐND; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HDND theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do UBND, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, quận, thị xã phân cấp, ủy quyền; Các nhiệm vụ, quyền hạn khác của UBND, Chủ tịch UBND phường theo quy định của pháp luật, trừ quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 63 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm hoàn toàn đồng ý với Nghị quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhấn mạnh: "Tại TP.HCM, khi thí điểm bỏ HĐND quận, tức tổ chức HĐND 2 cấp (cấp thành phố và cấp phường) dù còn những hạn chế nhưng đánh giá chung thì ưu điểm, hiệu quả là căn bản".
Bà Quyết Tâm cũng cho rằng, khi bỏ HĐND phường thì UBND phường sẽ là cánh tay nối dài của chính quyền quận tại cơ sở, tức hoạt động như một Ủy ban hành chính. Mặt khác, bỏ HĐND phường không có nghĩa là người dân không có đại biểu, không có đại diện cho quyền lợi của mình tại địa phương mà đại biểu HĐND thành phố, quận sẽ chính là người đại diện cho cử tri ở phường.
Vị đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, triển khai việc bỏ HĐND cấp phường tại Hà Nội không có vướng mắc. Hơn thế, đây là giải pháp để giúp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Cũng trả lời bên hành lang Quốc hội, nữ đại biểu đoàn TP.HCM nói: "HĐND quận sẽ là cơ quan đại diện cho tiếng nói, quyền làm chủ của nhân dân để quyết định những vấn đề tại khu vực. Nhờ đó, quyền làm chủ của nhân dân vẫn sẽ được phát huy tốt".
Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu Quyết Tâm cho biết: "Ví dụ phản ánh về một con đường bị hư hỏng, xuống cấp của cử tri được tiếp nhận và giải quyết chỉ ngay sau một tuần. Sự giám sát của HĐND cấp thành phố bao giờ cũng mạnh và nhanh hơn. Chính người dân đã đánh giá và cảm nhận được hiệu lực, hiệu quả từ mô hình này đã đáp ứng đúng nhu cầu của thực tiễn".
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho ý kiến tại buổi thảo luận tổ, thực tiễn HĐND phường ở một số đô thị thời gian qua hoạt động còn hình thức, mà cái gì còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả thì có thể bỏ. Dù vậy, điều quan trọng nhất là quyền và tiếng nói của cử tri, nhân dân vẫn phải được đảm bảo.
"Khi bỏ HĐND phường thì chúng ta phải tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu HĐND quận, kể cả đại biểu HĐND cấp thành phố. Vấn đề là phải kiến thiết lại một số quy định về chức năng nhiệm vụ của HĐND quận, để người dân ở tất cả các phường vẫn có quyền được tiếp cận các đại biểu của địa phương mình", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.