Bo Heng - nơi người lính chế ngự vùng đất khó
Cái nắng cuối mùa khô Tây Nguyên chợt 'lắng xuống' khi chúng tôi bước vào khuôn viên Đồn Biên phòng Bo Heng, BĐBP Đắk Lắk. Tất cả đều tươi mới, trẻ trung tràn đầy sức sống; từ thế hệ cán bộ, chiến sĩ hiện tại của đơn vị, đến những công trình vừa kết thúc giai đoạn thi công. Trong không gian như thế, không nhiều người lần đầu đặt chân đến nơi đây hiểu rằng, đã tròn 40 năm những người lính Đồn Biên phòng Bo Heng nhọc nhằn chế ngự vùng đất khó giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn...
Thử thách đến từ... cái tên
Đứng chân trên đỉnh Bo Heng, ngọn núi hiểu một cách nôm na theo tiếng người Lào ở Buôn Đôn là “không thể sống được”. Sự khắc nghiệt ấy được thể hiện rất rõ khi từ xưa đến nay không một ai trong vùng đặt chân đến đây để khai phá đất đai trồng trọt. Bo Heng vừa cằn cỗi, vừa thiếu nước, trong khi mùa khô Tây Nguyên lại dài dằng dặc đến hơn nửa năm. Và, thực tế đã cho thấy, các thế hệ người lính Biên phòng Bo Heng trước đây phải “vật lộn” với sự khắc nghiệt để có thể bám trụ bảo vệ biên giới. Năm nào cũng vậy, dù người lính có nỗ lực chắt chiu đến mấy trong công tác tăng gia sản xuất, thì lượng thực phẩm tươi sống, rau xanh, củ quả cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu của đơn vị.
Do khu dân cư gần đồn Biên phòng nhất cũng ngót nghét 60 cây số nên “bài toán” thực phẩm tại chỗ cứ đau đáu trong những người lính Biên phòng suốt thế hệ này sang thế hệ khác. Chả thế mà trong ngày Đồn Biên phòng Bo Heng kỷ niệm 40 năm thành lập (15-3-2021), nhiều cựu cán bộ chỉ huy có dịp quay trở lại thăm đơn vị, được tận mắt chứng kiến cơ ngơi đúng chuẩn “sáng - xanh -sạch - đẹp” đã phải thốt lên rằng: “Thật không thể tin được sức sống của lính Biên phòng. Trên vùng đất khó, thế hệ con cháu của mình hôm nay không chỉ sống được mà còn sống tốt”.
Cái tên Bo Heng - vùng đất “không thể sống được” luôn là thử thách cực lớn đối với người lính Biên phòng. Ngày còn ở thế “ốc đảo” không đường, không điện, không máy móc, lính Biên phòng Bo Heng bám trụ bằng “công thức” nước sông - công lính, kiên trì vượt qua chính mình, vượt qua chính cái tên còn vời vợi hơn cả ngọn núi. Họ miệt mài tăng gia sản xuất, thậm chí phải chấp nhận đi thật xa để tìm “mạch sống”, bởi “thực không túc” thì “binh sao cường”. 40 năm bám trụ trong gian khó mà cứ ngỡ thời gian còn dài hơn cả đời người...
Tăng gia, sản xuất hiệu quả, xây dựng đơn vị “sáng - xanh - sạch - đẹp”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, năm 2020, Đồn Biên phòng Bo Heng vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu “kép”: Đơn vị quyết thắng và Đơn vị “vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng bộ BĐBP Đắk Lắk tặng Giấy khen Chi bộ đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu”.
“Hoa trên đá” và lời tri ân của người lính biên phòng
Đứng dưới chân tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng trong khuôn viên Đồn Biên phòng Bo Heng - công trình vừa khánh thành chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đơn vị, chúng tôi càng thấm thía hơn “lời non nước”. Bác căn dặn người chiến sĩ Biên phòng phải luôn chắc tay súng bảo vệ bờ cõi non sông, bởi phía sau lưng mình là quê hương đất nước, kết thành tình yêu vô điều kiện dành cho tuyến đầu biên giới.
Câu chuyện người lính Biên phòng Bo Heng bám trụ trên vùng đất khó, khiến cho “đá phải nở hoa” như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vượt qua chính mình, là tình cảm, trách nhiệm của người hậu phương dành cho biên giới. Nói đến điều này là nói đến sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo chính quyền tỉnh Đắk Lắk dành cho BĐBP khi phân công cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mỗi địa phương nhận kết nghĩa đỡ đầu một đồn Biên phòng.
Từ quan điểm lãnh đạo này, một phong trào hướng về biên giới, hướng về người chiến sĩ quân hàm xanh lan tỏa khắp các vùng nội địa và có sức sống dẻo dai suốt hàng chục năm qua. Riêng Đồn Biên phòng Bo Heng, cùng với các dự án đường giao thông, điện lưới quốc gia phục vụ tốt đời sống sinh hoạt công tác cho bộ đội là tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và các tổ chức cá nhân khác thông qua sự hỗ trợ thường xuyên về cơ sở vật chất phục vụ công tác tăng gia sản xuất, xây dựng đơn vị.
Một trong những “điểm nhấn” giúp Đồn Biên phòng Bo Heng càng trở nên “sáng - xanh - sạch - đẹp” hơn đó là 2 công trình: Nhà khách (tổng trị giá 3 tỷ đồng do UBND thành phố Buôn Ma Thuột tặng) và Tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng (tổng trị giá 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí các tổ chức cá nhân đóng góp). 2 công trình này, cùng với hệ thống cây xanh, vườn hoa, cây cảnh đã tạo cho Bo Heng giống như một công viên xanh hơn là tiền đồn nằm lẻ loi trên biên giới.
Đại úy Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bo Heng chia sẻ: “Chúng tôi trân trọng nâng niu tình cảm, trách nhiệm của người hậu phương dành cho tuyến đầu biên giới. Sự quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân dành cho đơn vị giúp chúng tôi luôn cảm thấy khỏe khoắn hơn, vững vàng hơn trên mỗi bước tuần tra biên giới. Cũng nhờ sự quan tâm ấy, chúng tôi có thêm điều kiện đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo thêm nguồn thu nhập, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh...”.
Vâng, sự tri ân của người lính Biên phòng Bo Heng được thể hiện trong cả lời nói và hành động. Năm 2020, đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất thu về gần 3,5 tấn rau xanh, củ quả, hơn 2,5 tấn thịt cá các loại, duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm trong đơn vị hơn 200 con, đạt mức thu nhập gần 100 triệu đồng... Đây có thể nói là con số cực kỳ ấn tượng, khi biết rằng, dẫu đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, song những người lính Đồn Biên phòng Bo Heng vẫn phải “gieo mầm” trên vùng đất sỏi đá cằn khô.
Ròng rã 40 năm chế ngự vùng đất khó trong sự đồng hành đầy tình thương và trách nhiệm của người hậu phương đã tạo sự bản lĩnh, dẻo dai, tràn đầy sức sống để cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng tiếp tục bám trụ vững vàng trên biên giới.