Bỏ hộ khẩu giấy, Phòng GD gặp khó vì chưa có quyền truy cập cơ sở dữ liệu dân cư
Nhiều địa phương đang tích cực đưa ra các biện pháp để đảm bảo dịch vụ công trong giáo dục không gặp khó khăn khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Quy định toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 - theo Luật Cư trú 2020 nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị các giấy tờ, nộp hồ sơ khi mùa tuyển sinh đang đến gần.
Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy với kỳ vọng giúp giảm thủ tục trong giao dịch hành chính, thế nhưng, hệ thống thông tin chưa đồng bộ, quyền truy cập cho các cơ quan chức năng có liên quan còn hạn chế có ảnh hưởng gì đến các công tác thực hiện dịch vụ công trong giáo dục hay không?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, hiện địa bàn quận Thanh Khê đang thực hiện theo Luật Cư trú 2020 và gần đây nhất là Công điện của Thủ tướng chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, trong đó nhấn mạnh việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến...
Về phía ngành giáo dục, hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê đã chuẩn bị cho công tác tuyển sinh của các trường học theo địa bàn cư trú và giải quyết thủ tục chuyển trường (thủ tục này trước đây có liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu).
Bên cạnh đó, Phòng cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường trên địa bàn xác nhận cư trú thực tế của học sinh trong địa bàn phường, sau đó chuyển thông tin cho công an phường để xác thực lại trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, người dân khi liên hệ nhà trường làm thủ tục chuyển trường hoặc tuyển sinh không cần xuất trình bất kỳ giấy tờ gì về cư trú.
“Đến thời điểm hiện tại, các trường trên địa bàn quận đã thực hiện tương đối tốt về công tác chuyển đổi số theo chủ trương của Quận ủy và Ủy ban nhân dân quận Thanh Khê”, bà Chinh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Chinh, các công tác thực hiện dịch vụ công trong giáo dục khi bỏ sổ hộ khẩu giấy vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn do các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo không thể truy cập được vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà phải chuyển công an phường để xác nhận.
Do vậy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đề xuất rằng, các cơ quan có chức năng trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính như trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo nên được cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chức năng, nhiệm vụ để mọi thủ tục đều số hóa hết, mang lại nhiều thuận lợi hơn trong các công tác thực hiện.
Cũng trao đổi vấn đề trên, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cho hay:
“Trước khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng từ ngày 1/1/2023, Phòng cũng đã giảm dần việc yêu cầu sử dụng sổ hộ khẩu giấy trong các dịch vụ công về giáo dục. Một phần vì muốn giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết cho phụ huynh và một phần vì ở vùng cao nên di chuyển đến các chỗ công chứng tương đối vất vả khó khăn cho người dân.
Do vậy, bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ công trong giáo dục như tuyển sinh đầu cấp hay chuyển trường của các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông”.
Theo ông Thắng, để đảm bảo cho các dịch vụ công được diễn ra thuận lợi, hạn chế được tối đa những khó khăn, vướng mắc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông đã luôn rà soát mã định danh chặt chẽ mỗi khi trẻ đến độ tuổi chuẩn bị nhập học.
Từ khi trẻ trên địa bàn đến độ tuổi đi học mầm non 5 tuổi, Phòng đã yêu cầu những trẻ này đều phải ra công an xã để rà soát mã định danh, nhờ vậy, khi trẻ lên các cấp học tiếp theo đều không bị xảy ra vấn đề vướng mắc trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Hơn nữa, mỗi xã của huyện Điện Biên Đông đều có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở nên việc thực hiện thông tin dữ liệu học sinh trong công tác tuyển sinh đầu cấp cũng cơ bản không gặp vấn đề gì.
Đơn cử như khi tuyển sinh vào lớp 1, nhân sự được phân công của trường tiểu học sẽ xuống trường mầm non lấy dữ liệu thông tin và danh sách trẻ 5 tuổi sẽ vào học bậc tiểu học; tương tự với việc tuyển sinh vào lớp 6, các trường trung học cơ sở sẽ xuống trường tiểu học cùng xã để lấy dữ liệu (hồ sơ đã có từ lúc tuyển sinh lớp 1 và học bạ tiểu học) của các em.
Sau khi lấy được dữ liệu thông tin, cán bộ nhà trường sẽ tự thao tác nhập thông tin lên hệ thống phổ cập giáo dục cho các em. Từ đó, tạo được nhiều thuận lợi cho phụ huynh và học sinh vì không cần phải tốn thời di chuyển, đi lại, chuẩn bị hồ sơ nhập học, gửi thông tin đến từng trường.
Có thể thấy, chức năng và trách nhiệm của các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo là rất quan trọng trong việc kiểm soát mã định danh, thông tin học sinh chặt chẽ ngay từ ban đầu.
Chia sẻ từ ông Nguyễn Văn Trực, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện các dịch vụ công về giáo dục trên địa bàn đều yêu cầu thực hiện qua hình thức trực tuyến với mức độ 2 chứ không qua trực tiếp.
Bên cạnh đó, Phòng cũng liên tục tập huấn cho lãnh đạo các nhà trường về việc đẩy mạnh công nghệ số để phổ biến lại cho các giáo viên, cán bộ của trường.
Hiện huyện Châu Đức có hệ thống thông tin giáo dục từ bậc học mầm non đến các bậc học phổ thông, Phòng sẽ căn cứ vào số lượng trường, số lượng học sinh lên lớp mỗi năm học để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp cho các trường một cách phù hợp (trừ bậc trung học phổ thông là thi tuyển nên làm riêng).
Hơn nữa, thiết bị, máy móc, đường truyền mạng của huyện đều được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trang bị đầy đủ, đảm bảo cho công tác số hóa các dịch vụ công trong giáo dục trên địa bàn được diễn ra thuận lợi.