Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh: Quan tâm quản lý, lưu trữ để sử dụng lâu dài
Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh vừa được bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính. Trên cơ sở đó, các địa phương cần quan tâm quản lý, sử dụng hiệu quả để phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nỗ lực hoàn thành
Ngày 2-5-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 513 phê duyệt Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính. Tháng 10-2015, Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm Điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) và Chi nhánh miền Nam - Công ty TNHH Một thành viên Trắc địa bản đồ triển khai Dự án Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh; tổ chức xác minh, làm rõ tuyến địa giới hành chính trên thực địa; hiệp thương, xác định vị trí, cắm mốc địa giới hành chính các cấp, đo tọa độ mốc trên thực địa; rà soát, ký xác nhận pháp lý cho bộ tài liệu gốc ngoại nghiệp để làm cơ sở hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh. Cuối năm 2017, dự án được đoàn kiểm tra nghiệm thu cấp Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật, đến năm nay, sản phẩm mới chính thức được công nhận.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Trung tâm Xử lý dữ liệu đo đạc bản đồ (Trung tâm Điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ) lý giải, sau khi UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ nghiệm thu, công nhận sản phẩm (năm 2020), Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam mới có văn bản đề nghị tỉnh thực hiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cho huyện Trường Sa; xã Bình Lộc thuộc huyện Diên Khánh (sáp nhập theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn thuộc TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa phù hợp với quy định kỹ thuật của Bộ TN-MT. Việc lập mới bộ hồ sơ, bản đồ cho huyện Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn bởi việc khai thác, thu thập dữ liệu tại khu vực này cần hết sức thận trọng; việc ký xác nhận hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cũng mất nhiều thời gian. Từ năm 2019 đến 2022, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy vậy, với sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương, bộ sản phẩm đã hoàn thành.
Ngày 5-9-2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 697 công nhận số lượng, chất lượng hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp của tỉnh, gồm: 4 bộ hồ sơ, bản đồ cấp tỉnh; 36 bộ hồ sơ, bản đồ của 9 đơn vị cấp huyện; 550 bộ hồ sơ, bản đồ của 110 đơn vị cấp xã. Các bộ hồ sơ, bản đồ cấp tỉnh được lưu trữ tại UBND tỉnh, Bộ Nội vụ, Bộ TN-MT; cấp huyện được lưu trữ tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện, Bộ Nội vụ, Bộ TN-MT; cấp xã được lưu trữ tại UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Bộ Nội vụ, Bộ TN-MT.
Cần quản lý, sử dụng hiệu quả
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, sở đã phối hợp với đơn vị thi công, các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức giám sát các công đoạn thi công, kiểm tra, đánh giá chất lượng, bảo đảm 4 tính chất: Đầy đủ, pháp lý, chính xác và thống nhất. Khu vực địa giới hành chính còn chồng lấn giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã được quan tâm giải quyết xong, tạo điều kiện khép kín đường địa giới hành chính của Khánh Hòa. Các thiếu sót, bất hợp lý cũng được chỉnh sửa, bổ sung theo đúng quy định. Dự án đã áp dụng kỹ thuật, công nghệ về đo đạc bản đồ; xử lý thông tin, dữ liệu trong quá trình xây dựng; xác định tọa độ vị trí các mốc địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xác định rõ phạm vi quản lý theo đơn vị hành chính của Khánh Hòa với các tỉnh liên quan và giữa các đơn vị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính, phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của từng địa phương, góp phần giải quyết dứt điểm các tồn tại, chưa thống nhất về địa giới hành chính do lịch sử để lại.
Để quản lý, sử dụng hồ sơ, bản đồ, mốc địa giới hành chính hiệu quả, đúng quy định, ông Võ Chí Vương đề nghị các địa phương quan tâm quản lý, lưu trữ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính bảo đảm an toàn lâu dài. Khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc lãnh đạo cơ quan lưu trữ hồ sơ, bản đồ thay đổi công tác phải bàn giao hồ sơ, bản đồ cho lãnh đạo mới. Chủ tịch UBND cấp xã phải quản lý mốc địa giới hành chính trong địa phương mình; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ mốc địa giới; kịp thời tổ chức khôi phục khi phát hiện mốc bị xê dịch, bị hỏng, mất; nghiêm cấm phá hủy, làm biến dạng cột mốc hoặc lợi dụng cột mốc vào mục đích riêng. Hàng năm, chủ tịch UBND các cấp phải báo cáo cấp trên trực tiếp về tình hình quản lý mốc địa giới hành chính và có kế hoạch sửa chữa theo quy định. Các sở, ban, ngành cũng cần chủ động phối hợp với Sở Nội vụ hoàn chỉnh các bản đồ chuyên ngành phù hợp với bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh.
NGUYỄN VŨ