Bó hoa dã quỳ là món quà ý nghĩa nhất dịp 20/11 của thầy Phong

Nơi biên giới xa xôi, có những người thầy thầm lặng trao đi con chữ, trích những đồng lương ít ỏi của bản thân để nấu ăn cho các em nhỏ vùng cao.

Chênh vênh giữa những dãy núi cao nơi biên giới Việt - Trung, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 450km về phía Tây Bắc là huyện vùng cao Phong Thổ, thuộc tỉnh Lai Châu. Chính mảnh đất vùng cao gian khó ấy đã nuôi dưỡng ước mơ cho cậu học trò nghèo, để cậu nỗ lực học tập, trở thành thầy giáo, tiếp tục hành trình thắp sáng con chữ nơi miền biên viễn xa xôi.

Đó là câu chuyện của thầy Đồng Văn Phong (sinh năm 1988), giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, với thầy Đồng Văn Phong, dạy học ở vùng cao không đơn thuần là dạy kiến thức mà còn là hành trình trao gửi yêu thương. Nhiều năm qua, người thầy bình dị ấy đã tự tay nấu những bữa cơm trưa để níu chân học trò ở lại trường học.

 Thầy Đồng Văn Phong, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: NVCC)

Thầy Đồng Văn Phong, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: NVCC)

Ước mơ "gieo chữ" của thầy giáo miền biên viễn

Thầy Đồng Văn Phong sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo khó tại bản vùng cao thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây, hành trình đi tìm con chữ đối với những đứa trẻ “bữa đói, bữa lo không có gì ăn” chưa bao giờ là dễ dàng.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đồng Văn Phong chia sẻ: "Không nói đến thời tôi còn đi học mà ngay như hiện tại, hầu hết các em học sinh chỉ theo học đến hết lớp 9, nhiều em bỏ học sớm để đi làm. Nhưng cũng chính cuộc sống dân bản còn nhiều vất vả gian nan càng cho tôi thêm động lực cố gắng để gắn bó với nghề và yêu thương học trò nhiều hơn".

Từng vượt khó đi tìm con chữ, thầy Phong thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục trong việc "thay da đổi thịt" cho quê hương. Những trăn trở và khát khao ấy đã thôi thúc chàng trai người dân tộc Thái theo đuổi ước mơ trở thành thầy giáo, thắp lên những hi vọng mới, niềm tin mới cho những thế hệ học trò nghèo vùng biên giới xa xôi.

Sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông, năm 2006, cậu thanh niên Mường So đã quyết định khăn gói từ Lai Châu xuống Hà Nội để theo học trung cấp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn (cơ sở 2). Khi ấy, niềm tự hào của gia đình, sự tin yêu của bà con dân bản và một balo chất đầy khoai, đồ khô là hành trang tiếp bước cho chàng trai trẻ trên hành trình theo đuổi ước mơ.

Khoảng cách địa lí gần 450km, con đường gập ghềnh đèo núi hiểm trở chưa phải là rào cản lớn nhất mà chàng trai trẻ phải đối mặt khi theo học dưới xuôi. Dù được hưởng chính sách miễn giảm học phí đối với sinh viên người dân tộc thiểu số nhưng đôi lúc thầy Phong vẫn cảm thấy chông chênh với quyết định của mình, bởi lẽ ngoài học phí còn phát sinh nhiều chi phí khác. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình thầy còn khó khăn, lại có đến 6 anh chị em.

"Trong thời gian đi học ở Hà Nội, trước áp lực “cơm áo gạo tiền” không ít lần tôi có ý định bỏ học để đi làm. Nhưng may mắn nhờ có gia đình luôn đồng lòng ủng hộ, động viên nên tôi đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn và theo đuổi đến cùng ước mơ của mình, hoàn thành tốt nghiệp trung cấp sau 2 năm", thầy giáo trải lòng.

Sau khi tốt nghiệp, năm 2008, thầy Phong nộp hồ sơ và thi đỗ viên chức, được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trở về quê hương công tác chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, giấc mơ "gieo chữ" năm nào của chàng thanh niên đã trở thành hiện thực.

Gian nan hành trình gieo chữ nơi rẻo cao

Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu, Tung Qua Lìn những năm đầu thầy Phong về dạy chưa có đường bê tông, cũng không có điện, điều kiện dạy học của các giáo viên nơi đây vô cùng khó khăn.

Con đường đến trường là đèo dốc thẳng đứng, cheo leo, nhỏ hẹp, đất đá lởm chởm với nhiều khúc cua nguy hiểm; mùa mưa đến thì bùn đất trơn trượt, thường xuyên sạt lở nên xe máy không thể di chuyển, chỉ có thể đi bộ.

"Khi ấy, các thầy cô giáo chỉ ăn cá khô (khoảng 30 nghìn đồng/kg) hoặc mì tôm, muối vừng,.. qua ngày. Lâu lâu cuối tuần, các thầy cô đi chợ phiên Dào San cách đó khoảng 5km để mua đồ dự trữ, hay mua thêm ít thịt lợn để cải thiện bữa ăn", thầy Phong nhớ lại.

 Các em học sinh lớp 3A3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn trong giờ học Tiếng Việt. (Ảnh: NVCC)

Các em học sinh lớp 3A3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn trong giờ học Tiếng Việt. (Ảnh: NVCC)

Vì không có điện, cuộc sống nhiều bất tiện, thầy Phong và các giáo viên trong trường hằng đêm vẫn soạn giáo án dưới ánh nến. Mùa đông trên vùng cao, gió rít dội vào các khe hở giữa những tấm ván của căn phòng dựng tạm. Dẫu vậy, vượt qua sự khắc nghiệt của khí hậu và khó khăn của cuộc sống, nhiều thầy cô vẫn kiên trì bám bản, mang con chữ đến với học trò.

Thầy Phong cho biết bản thân cảm thấy may mắn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp dưới xuôi lên công tác, bởi vốn là người vùng cao nên thầy đã thích nghi với điều kiện sống khó khăn ở đây. Hơn nữa nhà thầy cách trường chỉ 27km nên có thể về thăm gia đình vào mỗi cuối tuần.

Công tác ở vùng biên giới xa xôi, nếu không thực sự xuất phát từ tình yêu thương, sự tận tâm đối với học trò thì có lẽ, không điều gì có thể níu chân thầy cô ở lại trường lớp.

“Dạy chữ không chỉ đơn thuần là dạy học sinh kiến thức, đặc biệt ở những nơi công tác phổ cập giáo dục vẫn còn nhiều gian nan, điều quan trọng hơn cả cần có sự đồng hành và ủng hộ của cha mẹ học sinh.

Cuộc sống khó khăn nên các em nhỏ ở Tung Qua Lìn phải phụ giúp gia đình trông em, làm nương rẫy. Bên cạnh đó, thời tiết ở đây cũng tương đối khắc nghiệt, mùa giáp hạt thường có mưa đá, sạt lở nguy hiểm, lại thêm mất mùa đói kém… Khi cuộc sống phải lo ăn từng bữa nhiều gia đình chẳng còn nghĩ đến việc học hành của con em. Hành trình đến trường của những đứa trẻ vùng cao cũng vì thế mà có biết bao nhiêu rào cản.

Tôi hay tới nhà các em chơi, không chỉ để vận động các em tới lớp, mà còn thăm hỏi, gặp gỡ và trò chuyện với các bậc phụ huynh. Khi nắm bắt được tâm tư của phụ huynh thì thầy cô cũng dễ dàng chia sẻ hơn. Từ đó thuyết phục gia đình tạo điều kiện cho các em đi học đầy đủ, cho các em có niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Lâu dần các phụ huynh cũng xem thầy cô như người nhà, thi thoảng lại mời thầy giáo xuống nhà chơi, ăn cơm. Tình cảm chân thành, bình dị đó với tôi đáng quý vô cùng", thầy Phong tâm sự.

Trích tiền lương của bản thân để nấu cơm trưa cho học trò

Thầy Phong bắt đầu nấu cơm trưa cho học trò từ năm 2020. Trước đó, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, hầu hết các em học sinh đều được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú vì nhà ở cách trường từ 4km.

Tuy nhiên, từ khi có con đường bê tông nối từ bản Hờ Mèo nằm dưới chân núi lên trường Tung Qua Lìn ở đỉnh núi, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh được rút ngắn, đồng nghĩa với việc không em nào ở xa trường quá 4km nên cũng không được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú nữa.

2-3 cây số đi bộ, nghe qua thì tương đối dễ dàng nhưng thực chất, con đường từ chân núi lên đỉnh núi hầu hết là dốc dựng thẳng đứng nên rất khó đi. Bên cạnh đó, với thể trạng nhỏ bé và gầy yếu của các em, để vượt 3km đường dốc đến trường phải mất cả giờ đồng hồ, lại thêm ngày nắng, ngày mưa, đi lại rất vất vả. Chính vì thế, đa phần các em học sinh đều mang cơm trưa đi học. Tuy nhiên, cũng có một số sinh không có cơm mang đi, buổi trưa về nhà rồi lại nghỉ học buổi chiều.

 Thầy Phong đến thăm và trao quà cho gia đình các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Phong đến thăm và trao quà cho gia đình các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Thầy Phong xót xa kể về những cặp lồng cơm trắng của các em: "Buổi sáng nhiều em đi học chỉ mang mỗi cơm trắng, em nào khá hơn thì có thêm su su luộc và thậm chí có em còn ăn cơm với thanh cay".

Không đành lòng nhìn học trò nghỉ học hay ăn cơm trắng qua bữa, thầy Phong đã quyết định trích tiền lương hàng tháng của mình để mua mì tôm, trứng, thỉnh thoảng có thêm thịt hay tóp mỡ để nấu cơm trưa cho các em.

"Thời điểm đó, thu nhập hàng tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng, mỗi tháng tôi trích ra khoảng 2 triệu đồng để mua đồ ăn nấu cho các em", thầy Phong tâm sự.

Tuy nhiên, nhận thấy bản thân khó có thể một mình giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho các em, thầy Phong chia sẻ các bài đăng trên trang facebook hoặc zalo cá nhân để kêu gọi thêm sự giúp đỡ của bạn bè và các mạnh thường quân.

Nam giáo viên chia sẻ: "Có người gửi cá, người thì mua trứng, hoặc gửi tiền mặt cho tôi. Ai giúp các em được phần nào thì tốt phần đó".

Hiện tại có khoảng 20 em trong lớp ở lại phòng thầy để ăn trưa. Thầy Phong thường chia làm hai mâm, mỗi mâm có khoảng 3-4 món gồm thịt, rau, canh, trứng... Các món ăn đều được tự tay thầy nấu.

Lo các em học xong mệt và đói, lại không có thời gian nghỉ trưa, thầy Phong đã sơ chế đồ ăn và trữ đông trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Khi nào trống tiết hoặc trong lúc giải lao, thầy về phòng cắm sẵn nồi cơm, đến khi tan học chỉ cần nấu thêm thức ăn. Vậy là những cô cậu học trò nghèo trên bản đã có bữa cơm ngon, các em được no bụng để đủ sức học tiếp buổi chiều.

Năm học 2024-2025 tới đây, do thiếu phòng học tại điểm trường chính, thầy Phong được phân công về dạy lớp 3 dưới điểm bản. Điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, phòng học nhỏ hẹp nên thầy Phong dự định sẽ sử dụng bếp điện nấu ăn ngay tại phòng học rồi chia thức ăn vào cặp lồng cơm cho các em.

Không chỉ quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò, thầy Phong còn bền bỉ nuôi dưỡng bao niềm vui, tiếp thêm động lực đến trường cho các bạn nhỏ vùng cao. Những cuốn sách giáo khoa, vở viết mới tinh vào đầu năm học mới, những đôi ủng nâng đỡ đôi chân em đến trường… đều được thầy Phong trích tiền cá nhân hoặc vận động tài trợ để trao đến các em học sinh.

 Những đôi ủng mới nâng bước chân em đến trường được thầy Phong xin tài trợ và trao đến học trò. (Ảnh: NVCC)

Những đôi ủng mới nâng bước chân em đến trường được thầy Phong xin tài trợ và trao đến học trò. (Ảnh: NVCC)

Nhiều hôm tan học, thầy Phong lại mua thêm bánh, kẹo hoặc pha cho học trò mấy gói mì tôm trước khi các em trở về nhà. Những ánh mắt bịn rịn của các em khi đó chính là động lực khiến thầy thêm tin yêu vào hành trình gieo chữ của mình.

Cô Lù Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tung Qua Lìn cho hay: "Thầy Phong là tấm gương điển hình của người thầy tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh và nhiệt tình với các hoạt động của trường lớp, địa phương".

16 năm gắn bó với nghề, thầy Phong luôn chắt chiu những kỉ niệm đẹp về ngôi trường, về những thế hệ học trò nơi đây. Nhớ về những kỷ niệm khó quên, nam giáo viên xúc động chia sẻ: "Buổi chiều hôm đó là ngày 19/11/2020, trong lúc tôi đang giảng bài thì có em lớp trưởng và một em nữa xin ra ngoài. Khi ấy tôi lo lắng vì đến 10 phút sau vẫn chưa thấy các em quay về, thì ra các em đi hái hoa tặng thầy ngày 20/11. “Chúng em tặng thầy! Ngày mai là ngày 20/11, chúng em không có tiền để mua quà nên hái tặng thầy hoa dã quỳ…" - đó là món quà ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi”.

 Các em nhỏ vùng cao hái hoa tặng thầy giáo nhân ngày 20/11. (Ảnh: NVCC)

Các em nhỏ vùng cao hái hoa tặng thầy giáo nhân ngày 20/11. (Ảnh: NVCC)

Câu chuyện về hành trình gieo chữ và những bữa cơm trưa bình dị của thầy giáo Đồng Văn Phong cho chúng ta thêm niềm tin về bức tranh tươi sáng của giáo dục vùng khó. Ở những mái trường cheo leo giữa núi đồi vùng biên giới, vẫn có những thầy cô miệt mài dạy học, bằng trái tim nhiệt thành và tình yêu thương, cùng nâng bước học trò nghèo tới lớp.

Nguyệt Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-hoa-da-quy-la-mon-qua-y-nghia-nhat-dip-2011-cua-thay-phong-post245245.gd