Bỏ hơn 1.500 tỷ mua đấu giá, doanh nghiệp mòn mỏi chờ phán quyết của tòa
Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, việc mua bán tài sản đấu giá là đúng quy định pháp luật nhưng thật khó hiểu khi doanh nghiệp trúng đấu giá phải liên tục phải kêu cứu, đòi tài sản?
Bán dự án rồi… phản kèo
Doanh nghiệp mua tài sản trên là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM đang khiếu nại TAND Q.7 do tiến trình giải quyết chậm trễ.
Theo hồ sơ, dự án khu dân cư Hòa Lân (gọi tắt là dự án Hòa Lân) ở phường Thuận Giao, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương rộng 490 ngàn m2, chủ đầu tư là Cty TNHH SXTM Thiên Phú (địa chỉ ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) do ông Bùi Thế Sơn làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật.
Giai đoạn năm 2003, Cty Thiên Phú làm hợp đồng thế chấp toàn bộ dự án trên để vay của ngân hàng Agribank 18.643 lượng vàng. Sau đó vì mất khả năng chi trả, Cty Thiên Phú đồng ý giao dự án cho ngân hàng Agribank xử lý nợ theo hình thức ban đấu giá, thu hồi nợ.
Cty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức bán đấu giá tài sản dự án Hòa Lân, giá khởi điểm là 1.467 tỷ đồng nhưng qua hơn 10 lần không có doanh nghiệp nào đăng ký mua.
Đến lần thứ 12 (vào giữa năm 2017) có 4 doanh nghiệp tham gia đấu giá. Kết cục, Cty Kim Oanh trúng đấu giá với giá 1.353 tỷ đồng.
Được biết, ngay sau khi trúng đấu giá, Cty Kim Oanh phối hợp cùng Cty Thiên Phú, ngân hàng Agribank để giải quyết dứt điểm những công việc tồn đọng, trong đó có những hậu quả mà Cty Thiên Phú để lại, không thuộc nghĩa vụ của Cty Kim Oanh. Điển hình như việc đàm phán, thỏa thuận, hỗ trợ kinh phí cho 15 hộ kinh doanh trên khu đất mà trước đây Cty Thiên Phú cho mượn, cho thuê; hay việc giải quyết hậu quả của khiếu nại, khiếu kiện, chi trả tiền đền bù, giải tỏa 20 hộ dân.
Sau khi trúng đấu giá, Cty Kim Oanh lẫn ngân hàng Agribank nhiều lần có văn bản gửi chính quyền Bình Dương xin chuyển tên chủ đầu tư dự án từ Cty Thiên Phú sang Cty Kim Oanh nhưng không được giải quyết. Thậm chí khó khăn ập đến khi hơn 1 năm sau, kể từ phiên đấu giá tài sản thành công, Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc, thanh tra lại toàn bộ quá trình đấu giá tài sản dự án Hòa Lân.
Kết cục, Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định, quá trình đấu giá tài sản hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Trở ngại lại nối tiếp khi cuối tháng 2/2019 ông Bùi Thế Sơn, đại diện Cty Thiên Phú đã nộp đơn tại TAND quận 7 khởi kiện Cty CP Đấu giá Nam Sài Gòn, yêu cầu hủy toàn bộ kết quả đấu giá trước đó, xin nhận lại dự án. TAND quận 7 thụ lý và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa dự án Hòa Lân.
Nhiều dấu hiệu… lạ trong vụ án
Bất ngờ hơn, tháng 3, ông Bùi Thế Sơn cùng một số cá nhân khác bị cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt giam trong một vụ án khác vì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị tạm giam tại Trại giam T17 – Bộ Công an.
Gần 2 tháng sau (ngày 19/5) từ trại tạm giam, ông Bùi Thế Sơn đã có đơn gửi TAND Q.7 xin rút toàn bộ nội dung khởi kiện trước đây liên quan đến việc bán đấu giá tài sản khu dân cư Hòa Lân. Đến thời điểm hiện tại ông Sơn vẫn là Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Cty Thiên Phú.
Ông Sơn nêu rõ, ông nắm 99% cổ phần Cty Thiên Phú. Riêng ông Nguyễn Thành Phú nắm 1%, chỉ là tài xế của ông Sơn, được ông nhờ đứng tên dùm, không có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến Cty.
Trên cơ sở này, ông Sơn rút toàn bộ nội dung đơn khởi kiện, hủy toàn bộ các ủy quyền cho người khác.
Bị đơn là Cty CP Đấu giá Nam Sài Gòn đề nghị tòa chấp thuận đơn rút nội dung khởi kiện của ông Sơn, đình chỉ giải quyết vụ án. Bên có quyền, nghĩa vụ liên quan là Cty Kim Oanh đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, là phong tỏa dự án.
Thế nhưng từ giữa tháng 5 đến nay, TAND Q.7 vẫn… im lìm. Cty Kim Oanh đã nhiều lần khiếu nại và hoài nghi về chuyện tòa chậm ra quyết định đình chỉ vụ án.
Đáng chú ý, trong quá trình đó xuất hiện 2 cá nhân Phạm Thị H và Nguyễn Ngọc Kim C (con dâu bà H) mua lại phần vốn 90 tỷ đồng, tương đương 100% cổ phần Cty Thiên Phú; gồm 99% cổ phần của ông Sơn và 1% cổ phần của ông Phú. Những cá nhân này nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương nhằm thay đổi thành viên góp vốn, người đại diện Cty Thiên Phú nhưng chưa được chấp thuận.
2 người này gửi đơn đến TAND quận 7 đề nghị tham gia tố tụng vụ án và được tòa chấp thuận.
Nhận thấy việc mua bán Cty Thiên Phú có dấu hiệu bất thường, các bên liên quan đã có đơn tố cáo và Bộ Công an vào cuộc điều tra. Cơ quan điều tra trích xuất ông Sơn ra để lấy lời khai, giám định chữ ký, chữ viết… và có đơn gửi TAND quận 7 cho biết, chữ ký của ông Sơn trong văn bản là giả mạo.
Cụ thể, giữa tháng 8/2020. Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM có kết luận giám định, “tại hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Cty Thiên Phú do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho cơ quan điều tra, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên “Bùi Thế Sơn” đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết”.
Động cơ việc giả mạo này, các bên liên quan đang đề nghị cơ quan Công an làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Điều khó hiểu, trong khi việc giả mạo chữ ký của ông Sơn, mục đích để chuyển công ty cho 2 cá nhân được TAND quận 7 chấp nhận (thông qua việc chấp nhận tham gia phiên tòa - P.V) thì đơn rút nội dung khởi kiện đối với dự án Hòa Lân lại bị TAND quận 7... 'ngâm' cho đến nay.
P.V VietNamNet đã liên hệ làm việc và gửi lại nội dung trao đổi liên quan tại TAND quận 7 theo đúng quy định. Tuy nhiên qua thời gian dài vẫn không có hồi đáp từ phía đơn vị này.
Trong đơn kêu cứu, đại diện Cty Kim Oanh cho hay, bỏ hơn 1.500 tỷ đồng vào dự án và Thanh tra Bộ Tư pháp đã khẳng định, doanh nghiệp mua tài sản đấu giá đúng quy định; nhưng giờ hơn 3 năm vẫn không được chính danh chủ sở hữu, sử dụng tài sản.
Số tiền đầu tư nói trên Cty Kim Oanh vay từ các tổ chức tín dụng, từ các nhân viên công ty góp vốn vào. Bản thân doanh nghiệp, nhân viên góp vốn đang điêu đứng, có nguy cơ phá sản.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, trong 1 vụ kiện dân sự khi nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tòa án phải xem xét đơn, căn cứ vào nội dung đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điểm c, Khoản 1, Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Nếu tòa án chậm ra quyết định đình chỉ vụ án theo quy định ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình thì các đương sự trong vụ án có quyền khiếu nại hành vi này theo Chương XLI, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.