Bờ kè biển Sa Huỳnh: Sạt lở nghiêm trọng
Suốt nhiều năm qua, kè chắn sóng biển Sa Huỳnh, tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) liên tục bị sóng biển gây sạt lở nghiêm trọng, khiến người dân và chính quyền nơi đây lo ngại.Chưa có vốn để sửa chữa
Được biết, kè chắn sóng này dài hơn 1.300m, do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với kinh phí 20 tỷ đồng. Công trình hoàn thành vào năm 2000. Từ đó, bờ kè chắn sóng bị... sóng đánh thiệt hại mỗi năm một ít.
Nhiều đoạn kè biển Sa Huỳnh, tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) bị nứt toác, ngã nghiêng. Ảnh: NGỌC VIÊN
Đầu tiên là một vài vết rạn nứt, vài chỗ rò rỉ trên thân kè. Nếu cái sự “một ít” đó được ngành chức năng quan tâm cho sửa chữa ngay, gia cố kịp thời thì tuổi thọ của bờ kè có thể được kéo dài. Đằng này, do phản ứng một cách chậm chạp của ngành chức năng nên bờ kè từ nứt thành vỡ, từ rò rỉ thành lỗ rỗng lớn. Và sau mùa mưa bão năm 2016, khoảng hai phần ba chân kè bị sóng đánh ngã quỵ, dẫn đến sụt lún, tuyến kè bị gãy rời từng đoạn, nằm ngổn ngang. Lúc này, chính quyền mới vào cuộc bằng cách đổ đá, bao tải cát. Tuy nhiên, do việc sửa chữa tạm bợ, nên công trình vẫn không phát huy hiệu quả.
Hiện giờ có thể nói tác dụng chắn sóng của bờ kè không còn bao nhiêu nữa. Không chỉ bờ kè, con đường bê tông chạy dọc theo đó cũng bị sóng thốc vào, gây xói lở, rỗng ruột nghiêm trọng. Con đường bị sụt lún, lộ ra nhiều hàm ếch và sạt lở nhiều đoạn, có đoạn bị khoét sâu đến hơn 2m. Việc đi lại trên con đường này khá nguy hiểm. Anh Nguyễn Khánh, người dân sống gần đó, tận mắt chứng kiến một người đi thể dục buổi sáng bỗng dưng “mất tích”. Người này bị sụp hố vì đi trên mặt đường mà phía dưới đã bị sóng biển khoét rỗng ruột. Người dân xúm lại kéo nạn nhân lên khỏi hố. Từ đó, con đường trở nên nham nhở do người dân đặt chướng ngại vật cảnh báo nguy hiểm. Con đường đang cùng chung tình cảnh với bờ kè: Mất tác dụng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia giao thông.
Nhiều năm nay, năm nào người dân Thạch By 2 cũng khẩn thiết kiến nghị, yêu cầu các cấp chính quyền khắc phục sự cố bờ kè và cả con đường bên trong. Người dân cũng cho rằng cách khắc phục hiệu quả nhất là thu dọn, giải phóng “hiện trường”, làm lại từ đầu một cách bài bản, khoa học. Còn bây giờ, cứ đổ đá và chèn bao cát chỉ phát sinh tốn kém mà chẳng có mấy hiệu quả. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần dân “kêu”, cơ quan chức năng trả lời trong các cuộc họp rằng đã gửi văn bản đề nghị cấp trên xử lý rồi. Chúng tôi đang đợi cấp trên hồi đáp. Việc này cần phải có thời gian chứ không phải muốn là được ngay. Điều này đồng nghĩa với việc dân phải chờ, trong khi sóng to, gió lớn, triều cường thì chẳng chờ ai, cứ tới mùa là trở lại hoành hành, uy hiếp.
Gần 400 hộ dân dọc bờ kè đang sống trong sợ hãi khi mùa mưa bão 2020 sắp đến...