Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến hạ tầng và đất đai
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% là mức rất cao so với cùng kỳ, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm tới Việt Nam.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng gần 40% là điểm nhấn về kinh tế-xã hội 2 tháng đầu năm 2024.
Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 2/3, tại Hà Nội.
Gia tăng lượng đơn đặt hàng mới
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trong 2 tháng vừa qua, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023, theo đó nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% và khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.
Đáng chú ý, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm (tháng 1 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.
Dẫn chứng thêm, ông cho biết trong 2 tháng đầu năm có trên 22.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41 .000 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Điểm nhấn theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đó là thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tăng lên.
Tập trung cho 3 lĩnh vực để thu hút FDI
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI và các giải pháp đột phá để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023 thu hút vốn FDI thấp do có nhiều khó khăn, song 6 tháng cuối năm đã đạt phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng.
Nguyên nhân quan trọng là sự ổn định về chính trị, an ninh, kinh tế vĩ mô của Việt Nam mà các nhà đầu tư quan tâm. Cùng đó, các chuyến ngoại giao cấp cao và của các đoàn ngoại giao các nước tới Việt Nam cũng mang lại kết quả cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhà đầu tư đánh giá các tiềm năng và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới khi cho rằng Việt Nam là điểm đến hết sức hấp dẫn, đặt niềm tin cho đầu tư FDI và tạo kết quả tích cực trong năm 2023 vừa qua.
Theo ông Phương, 2 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư đăng ký đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. một con số rất cao so với cùng kỳ, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm. Cùng đó, giải ngân cũng hết sức tích cực, tăng đến 9,8% - tương đương với 2,8 tỷ USD, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là cụ thể.
"Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là chúng ta có tỷ lệ về vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là một tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024 cũng như 2025," ông Phương nhấn mạnh.
Liên quan đến các giải pháp đột phá để có thể thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư lớn tới Việt Nam, ông Phương thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng và đất đai.
Cụ thể, đối với các dự án lớn, nhu cầu về đất đai rất lớn. Nhà đầu tư đặt những yêu cầu về hạ tầng rất cao. Do vậy giải pháp đối với lĩnh vực đất đai và hạ tầng là công việc tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đã đặt ra trong triển khai xây dựng và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực. Bởi, trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy khu vực đầu tư và phát triển nâng cao kim ngạch.
Tiếp đến là các giải pháp đột phá là nguồn nhân lực. Mặc dù trong những đề án được Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo và thông qua, như phấn đấu đào tạo khoảng 100.000 công nhân, người lao động cũng như kỹ sư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chip bán dẫn, trong đó có 50.000 riêng cho lĩnh vực chip bán dẫn, ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gấp rút khẩn trương hoàn thiện đề án này, để trình Thủ tướng, đào tạo sớm nguồn nhân lực chất lượng cao này.
Tuy vậy, với các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô lớn, đòi hỏi rất cao về nguồn nhân lực, trong khi Việt Nam có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, vẫn còn trong thời kỳ dân số vàng, nhưng công việc cần tập trung nhiều hơn là trình độ, kỹ năng của người lao động.
"Đây cũng là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành đều phải chung tay để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động Việt Nam. Thông qua đó chúng ta tăng được chất lượng về tăng trưởng trong năng suất lao động," Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu ý kiến.
Lĩnh vực tiếp theo là thể chế, ông Phương cho hay, thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua rất nhiều chính sách đột phá mới và có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và các luật khác, hay các quy định về xuất nhập cảnh, visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
Ông Nhấn mạnh, không chỉ khách du lịch mà cả nhà đầu tư rất hoan nghênh chính sách đổi mới như vậy, song điều quan trọng hơn nữa cần nghiên cứu tập trung sâu là những chính sách mang tính khích lệ, động viên cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, đủ mức độ hấp dẫn và tối ưu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Trong ba lĩnh vực như vậy, có thể chẻ nhỏ ra nhiều lĩnh vực cụ thể nhưng tựu chung lại có ba nhóm chính sách đột phá lớn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó có một mảng lúc nào cũng đúng và các nhà đầu tư luôn quan tâm là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách về thủ tục hành chính. Hiện đã có Nghị quyết 02 của Chính phủ và sẽ tiếp tục thực hiện một cách mạnh mẽ hơn," Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay./.