Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cải cách môi trường kinh doanh cấp Bộ đang suy giảm

Qua thực tiễn và các báo cáo, mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh ở cấp độ địa phương đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn; trong khi đó, ở cấp Bộ, Ngành lại suy giảm.

Đây là đánh giá được nêu ra trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10.01.2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trong 6 tháng đầu năm.

Mức độ cải cách không đồng đều

Theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, trước ngày 10.6, các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết trong 6 tháng; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Song, đến ngày 22.6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được báo cáo của 10/27 bộ, ngành, cơ quan và 22/63 địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nỗ lực cải cách có xu hướng chậm lại nhưng Chính phủ vẫn duy trì các mục tiêu và hành động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Nhờ vậy, thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế năm 2022 tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, về trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) đã được cải thiện 6 bậc, lên vị trí thứ 84. Đáng chú ý, chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng điểm mạnh với mức tăng 8,4 điểm (từ 65,2 lên 73,6 điểm). Kết quả này cho thấy nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh hướng tới nâng cao hiệu quả thị trường của Việt Nam được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tuy vậy, mức độ cải cách giữa cấp Bộ, Ngành và địa phương không đồng đều. “Qua thực tiễn và các báo cáo, mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh ở cấp độ địa phương mạnh mẽ, quyết liệt và thực chất hơn; trong khi đó, ở cấp bộ, ngành lại suy giảm”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Minh chứng là, nhiều tỉnh, thành phố đều đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30 - 50% so với quy định, như Quảng Ninh đặt mục tiêu giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính; Quảng Nam rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 16 thủ tục thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó, cắt giảm thời gian ít nhất là 01 ngày và nhiều nhất là 05 ngày…

Song, ở cấp Bộ, Ngành, mức độ quan tâm cải cách môi trường kinh doanh “chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu và sự cần thiết của cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp”. Phổ biến là tình trạng gửi báo cáo chậm hơn so với yêu cầu; có những nội dung thông tin không có sự khác biệt so với các báo cáo trước đây; chưa thể hiện được rõ nét nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu và các nội dung trọng tâm cải cách mới của Nghị quyết.

Sự suy giảm trong cải cách môi trường kinh doanh ở cấp bộ cũng là điều được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra. Đáng lưu ý, theo VCCI, vẫn còn tình trạng các bộ ngành đưa ra một số quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hóa và làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, Bộ Công thương đưa ra một số yêu cầu như: Tất cả các siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng; hay yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng…

Mức độ cải cách không đồng đều giữa các Bộ, Ngành và địa phương. Nguồn ITN

Mức độ cải cách không đồng đều giữa các Bộ, Ngành và địa phương. Nguồn ITN

Không khôi phục thủ tục, giấy phép đã bãi bỏ

Nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp.

“Lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương cần coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Mặt khác, các Bộ, Ngành cần nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới; không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh khi ban hành văn bản pháp luật mới hay sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành.

Các bộ quản lý chuyên ngành cần tham khảo cách tiếp cận tiên tiến về quản lý nhà nước tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP (về quản lý an toàn thực phẩm); không khôi phục các thủ tục, giấy phép, điều kiện đã bãi bỏ, đơn giản hóa.

Bộ Y tế cần phát huy và nhân rộng cách tiếp cận của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; duy trì những cải cách tiến bộ về quy trình đăng ký của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; nâng cao năng lực hậu kiểm. Bên cạnh đó, Bộ cần khẩn trương có các giải pháp giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách trong lĩnh vực dược phẩm; giảm gánh nặng thủ tục hành chính, hài hòa với thông lệ quốc tế, bãi bỏ các quy định không phù hợp với thực tế, không vì mục đích đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của sản phẩm.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai. Trong đó, tập trung hoàn thiện pháp luật về hệ thống thông tin đất đai để bảo đảm thông tin được công khai đầy đủ, dễ tiếp cận và cập nhật kịp thời; cho phép người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận bản đồ thửa đất dưới nhiều hình thức, nhất là qua nền tảng số; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để triển khai dịch vụ công trực tuyến cho các giao dịch về đất đai…

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/bo-ke-hoach-va-dau-tu-cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-cap-bo-dang-suy-giam-i296255/