Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Giữ lửa cải cách môi trường kinh doanh
Trong những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ suốt những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ hiện tại, dấu ấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rõ nét trong vai người giữ lửa.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ảnh: Đ.T
Cải cách theo thông lệ quốc tế
Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi theo thông lệ quốc tế, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19 các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02 các năm 2019-2020).
Bằng những Nghị quyết này, Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; xây dựng và thực hiện khung khổ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Những nỗ lực cải cách tập trung vào các nhóm vấn đề gồm: cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh và cải cách thực chất các quy định liên quan tới điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch dịch vụ công trực tuyến; tạo lập thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thực hiện các Nghị quyết, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước vào cuộc và có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy quản lý. Nhờ vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được quốc tế ghi nhận cải thiện và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực, tạo niềm tin vào nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Tạo xu thế trong cải cách điều kiện kinh doanh
Tiếp nối kinh nghiệm và thành công về cải cách giấy phép kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ động thực hiện rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh vào năm 2015-2016 nhằm kiến nghị dỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường.
Kết quả rà soát cho thấy, có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh (trong đó khoảng 3.000 điều kiện kinh doanh là không cần thiết), không rõ ràng, không tiên liệu trước được, không có hiệu quả về quản lý nhà nước hoặc can thiệp sâu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở kết quả rà soát và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đề xuất, trình Chính phủ cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; cải cách quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp, đồng thời thay đổi phương thức quản lý nhà nước tiệm cận thông lệ quốc tế.
Chỉ tính riêng 3 năm 2017-2019, đã có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách điều kiện kinh doanh, tập trung cắt bỏ, đơn giản hóa hơn 50% số điều kiện kinh doanh, vượt mức kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2019, về cơ bản, các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, khó tiên liệu, không rõ ràng, trùng lặp đã được cắt giảm.
Tạo chuyển biến trong cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành
Với vai trò là cơ quan tham mưu về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận diện rằng, cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành là nội dung có ý nghĩa đối với thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại.
Bộ đã tham mưu Chính phủ đặt mục tiêu trọng tâm cải cách hoạt động này. Theo đó, yêu cầu về cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành được chú trọng hàng năm, nêu tại nhiều Nghị quyết của Chính phủ và thể hiện rõ qua các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do.
Với những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên của Chính phủ, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã đạt được một số kết quả nhất định. Tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong giai đoạn thông quan đã giảm từ 30-35% (năm 2015) xuống còn 19,1% (10 tháng đầu năm 2019). Tính đến tháng 10/2019, số mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành giảm từ 82.698 năm 2015 xuống còn 70.087 (năm 2020 không đánh giá).
Cải cách gia nhập thị trường
Luật Doanh nghiệp 2020 có nhiều điểm mới, tạo bước đột phá trong gia nhập thị trường và bảo vệ cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp 2020 không còn quy định thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhờ đó rút ngắn các bước thủ tục và thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh.
Khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp đã tiếp cận chuẩn mực quản trị quốc tế. Đó là mở rộng mức độ, phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn, gây thiệt hại cho công ty và cổ đông; mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền khởi kiện người quản lý...
Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát và đề xuất Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Từ đó, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư 2020 với việc bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề.
Một số kết quả đáng ghi nhận
Về năng lực cạnh tranh quốc gia, trong 3 năm 2017-2019, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam liên tục tăng điểm, thể hiện mức độ cải thiện về năng suất lao động và sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Về môi trường kinh doanh, Việt Nam liên tục được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá có sự cải thiện về chất lượng; đã rút ngắn thời gian, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Về đổi mới sáng tạo, qua 4 năm 2016-2019, Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố tăng 17 bậc (từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2019).
Đối với xếp hạng hiệu quả logistics, trong năm 2018, chỉ số này của nước ta tăng mạnh 25 bậc, từ thứ hạng 64 lên thứ 39, với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội.