Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phấn đấu tăng trưởng quý IV đạt 8%
Đây là đề xuất được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản 6,7% và tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%; dịch vụ tăng 6,95%.
Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao là Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)...
Bên cạnh đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 (bão Yagi) vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)...
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.
Trong tháng 9, có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý, trong đó quý III tăng 7% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 6,8%. Đặc biệt, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 8,8%; khách quốc tế 9 tháng đạt khoảng 12,7 triệu lượt người, tăng 43%.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được và dự báo cả năm, Bộ trưởng KHĐT kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực đang bị tồn đọng trong các dự án, đất đai cho tăng trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.
Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.