Bộ KH&CN chuyển mạnh quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm
Trong các năm từ 2017 đến 2019 và quý I/2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu) đã giảm hàng trăm tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2017, năm 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm, bỏ tiền kiểm không cần thiết, tăng cường hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ quy định Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Hải quan.
Triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm”, năm 2017, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BKHCN để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.
Ngoài ra, sau khi triển khai áp dụng Thông tư số 07, số lô hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan (kiểm tra trước thông quan) sẽ giảm đi khoảng 96%. Đồng thời, giảm 67% thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu để thông quan hàng hóa (giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày), vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN +4 (là 90 giờ). Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2017, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã giảm được 114 loại sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng.
Năm 2018, Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và hướng dẫn các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương triển khai Nghị định số 74/2018/NĐ-CP; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp và đánh giá tại nguồn.
Trong đó, có một số điểm đáng chú ý thể hiện việc đổi mới phương thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân (áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra hàng nhập khẩu) như: Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm (việc kiểm tra căn cứ trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật), thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ tối đa 1 ngày.
Đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng trong thời hạn 2 năm…
Về điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ KH&CN cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Nghị định đã cắt giảm, đơn giản hóa 48/85 (56,5%) điều kiện đầu tư, kinh doanh tại 4 Nghị định (trong đó cắt giảm 37 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 11 điều kiện kinh doanh).
Với các biện pháp này, theo báo cáo của các địa phương gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với khoảng 60.000 lô hàng nhập khẩu năm 2017 thì ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng hơn 720 tỷ đồng; với khoảng 80.000 lô hàng nhập khẩu năm 2018 thì ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 900 tỷ đồng; với khoảng hơn 50.000 lô hàng nhập khẩu năm 2019 thì ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 590 tỷ đồng; và trong quý I/2020 với hơn 16.000 lô hàng nhập khẩu, đã tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp là hơn 75 tỷ đồng.