Bộ KH&ĐT: Đề xuất Hà Nội và TP HCM phấn đấu cao hơn cho mục tiêu tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thúc đẩy sự chia sẻ, nỗ lực từ các địa phương có tiềm năng tăng trưởng và không bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 để bù đắp lại cho những địa phương bị thiệt hại nặng hơn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Đinh Nhung - Mekong ASEAN.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/10, đánh giá về tác động của bão và hoàn lưu bão số 3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đây là cơn bão mạnh chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn.

"Đánh giá hậu quả của cơn bão số 3, đây là cơn bão mạnh chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn. Mặc dù có nhiều nỗ lực phòng chống bão với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhưng thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã cho thấy tác động của nó rất ghê gớm," Thứ trưởng Phương thông tin.

Tính đến ngày 27/9/2024, ước tính thiệt hại khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng. Các công trình hạ tầng công cộng cũng như các hạ tầng lớn của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, các hạ tầng, dịch vụ công cộng như về điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện bị hư hại. Đây là thống kê sơ bộ về thiệt hại của cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó gây ra.

Trên tinh thần đánh giá nhanh tác động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá sơ bộ ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão số 3 tác động đến tăng trưởng kinh tế cả nước là làm giảm khoảng 0,15%, Thứ trưởng cho biết.

Về các giải pháp triển khai hỗ trợ sau bão, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có báo cáo giải pháp ngay. Trong đó, Nghị quyết 42 xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Các giải pháp cũng đặt ra thứ tự ưu tiên khắc phục bão và hoàn lưu bão, đầu tiên về bảo vệ tính mạng con người, an toàn sức khỏe nhân dân; sau đó là khôi phục sản xuất kinh doanh và hỗ trợ các đối tượng khác.

Các giải pháp về tài khóa và tiền tệ cũng được ngành Tài chính, Ngân hàng nhanh chóng triển khai trong thẩm quyền. Chẳng hạn như, cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để ổn định sản xuất, kinh doanh. Các biện pháp về tài chính như giãn, hoãn thuế phí, tạo dòng tiền cho các đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai nhanh chóng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các công ty bảo hiểm nhanh chóng rà soát, đánh giá thiệt hại và đền bù đối với doanh nghiệp và hộ gia đình.

"Những chính sách này đã có tác động kịp thời đối với việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Khảo sát tại Hải Phòng, các doanh nghiệp quay lại phục hồi rất nhanh, có doanh nghiệp chỉ trong một tuần," Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Chia sẻ thêm về các giải pháp, ông Phương nhìn nhận, ngành công nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi, ngược lại, ngành nông nghiệp và du lịch sẽ phục hồi lâu hơn, nhiều khó khăn hơn. Do đó, cần có các chính sách cần quan tâm hơn đối với hai ngành này và những khu vực bị thiệt hại, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Theo số liệu sơ bộ đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn khoảng 84,5 nghìn lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão với tổng số tiền khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xuất cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói, cũng như chi ngay từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai ngay hỗ trợ cho bà con.

Đồng thời, các nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước, cộng đồng xã hội đã quan tâm, ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt về cả tiền và hiện vật.

Thúc đẩy nỗ lực các địa phương tiềm năng

Cũng tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến kết quả đánh giá thiệt hại bão và hoàn lưu bão số 3 và những ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay khi kết thúc quý 3/2024, tin mừng là tăng trưởng vẫn đạt 7,4% trong quý và 9 tháng đạt 6,82%. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, con số tăng trưởng tích cực quý này là có cơ sở.

Ông khẳng định "nếu không có cơn bão này xảy ra, thì con số có thể còn cao hơn 7,4%."

Theo kịch bản xây dựng trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý 3 và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu 7% của cả năm, thậm chí nếu có điều kiện tốt hơn có thể cao hơn 7%.

Về giải pháp đạt được mục tiêu này, với sự phục hồi nhanh của ngành công nghiệp, trong bối cảnh ngành nông nghiệp và du lịch bị ảnh hưởng hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ thúc đẩy sự chia sẻ, nỗ lực từ các địa phương không bị ảnh hưởng nặng bởi bão và tiềm năng tăng trưởng để bù đắp lại cho những địa phương bị thiệt hại nặng hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 địa bàn trọng điểm là Hà Nội và TP HCM là đầu tàu cả nước phấn đầu tăng trưởng cao hơn, điều này sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế cả nước đến cuối năm cũng như bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Kiều Chinh - Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-khdt-de-xuat-ha-noi-va-tp-hcm-phan-dau-cao-hon-cho-muc-tieu-tang-truong-34148.html