Bộ KPI tốt sẽ tạo áp lực tích cực và ghi nhận chính xác kết quả công việc

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là đề xuất sử dụng chỉ số hoàn thành nhiệm vụ (Key Performance Indicator-KPI) để đánh giá cán bộ, công chức đang làm việc trong hệ thống hành chính ở nước ta. Phương án này liệu có khả thi? Báo Quân đội nhân dân trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng về lĩnh vực quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về chủ trương sử dụng KPI để đánh giá cán bộ, công chức?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Chúng ta đang hướng đến một nền hành chính, công vụ hiện đại thì việc ứng dụng KPI trong đánh giá cán bộ, công chức là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Với công cụ KPI, cá nhân hoặc đơn vị không chỉ biết rõ những kế hoạch, mục tiêu mà mình cần phải hoàn thành trong một khoảng thời gian nào đó, những tiêu chí sẽ được sử dụng để đánh giá sự thể hiện của họ trong công việc mà việc quản lý diễn biến, tiến độ thực hiện nhiệm vụ cũng thuận lợi hơn, chính xác hơn. Giám sát KPI cũng giúp lãnh đạo đơn vị kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh để hướng đến đạt được các mục tiêu chung của cơ quan, đơn vị.

 Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng.

Tuy nhiên, bản thân KPI cũng có những hạn chế chứ không phải là “phương thuốc vạn năng” để đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Chẳng hạn, hoàn thành KPI giúp cá nhân, nhóm đáp ứng yêu cầu về số lượng, khối lượng công việc nhưng chưa đủ căn cứ để đánh giá về chất lượng cũng như mức độ tác động của việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Vì thế, ngay cả khi cơ quan, đơn vị có được bộ công cụ KPI tốt thì việc đánh giá cán bộ, công chức vẫn cần kết hợp nhiều yếu tố khác như: Tự đánh giá, đánh giá của cấp trên, đồng nghiệp và phản hồi của cá nhân, tổ chức mà cán bộ, công chức trực tiếp phục vụ. Như vậy, đánh giá sự thể hiện trong công việc của cán bộ, công chức phải là một quá trình tổng hợp, đa chiều và trong đó KPI là một công cụ then chốt.

PV: Theo ông, để có bộ chỉ số KPI tốt, hữu ích trong việc đánh giá cán bộ, công chức thì cần bảo đảm những gì?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: KPI rất phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của khu vực tư nhân nên được áp dụng từ rất sớm trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thiết kế và áp dụng KPI với khu vực công sẽ là thách thức không nhỏ bởi những đặc thù của hệ thống hành chính Nhà nước. Nhìn chung, một bộ KPI tốt thì phải rõ ràng, cụ thể về mục tiêu, đơn giản, dễ hiểu và khả thi.

Nhìn vào KPI, mỗi cá nhân phải biết họ cần cố gắng và sự cố gắng đó nếu đem đến kết quả tích cực thì sẽ được ghi nhận công tâm. Cá nhân cũng cần thấy rằng hoàn thành KPI sẽ đóng góp vào sự cải thiện tích cực cả về khối lượng và chất lượng hoạt động, từ đó từng bước thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Cũng có nghĩa bộ KPI tốt sẽ tạo áp lực tích cực đối với mỗi cá nhân, nhóm, đòi hỏi họ phải nỗ lực để có thể hoàn thành. Tuy nhiên, cần lưu ý là mức độ thách thức của KPI nên được tính toán cẩn trọng, gắn với kỳ vọng hợp lý và thỏa đáng chứ không thể thiết lập KPI ảo tưởng, phi thực tế.

Với khu vực công ở nước ta hiện nay, để từng bước áp dụng KPI thành công, trước hết cần những hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng KPI với những chiều cạnh, nhóm chỉ tiêu chung, phù hợp với những đặc điểm về chức năng, nhiệm vụ cũng như trình độ phát triển của hệ thống hành chính. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương và từng đơn vị hành chính cần phát triển thêm các bộ KPI đặc thù, sát hợp với từng loại vị trí việc làm cũng như tính chất công việc, yêu cầu chuyên môn cụ thể. Việc giao KPI, giám sát thực hiện và đánh giá nên được tiến hành bởi sự phối hợp giữa các cấp quản lý trực tiếp và bộ phận tổ chức-cán bộ nhằm bảo đảm tính khách quan, công tâm và minh bạch trong đánh giá.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: KIỀU NGUYỄN

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: KIỀU NGUYỄN

PV:Theo ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn và ông có đề xuất gì đối với việc xây dựng bộ chỉ số KPI trong bối cảnh hệ thống hành chính ở nước ta hiện nay?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Thuận lợi rõ nhất là hiện nay, toàn hệ thống chính trị đã ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới quy trình, biện pháp đánh giá cán bộ, công chức. Theo đó, kết quả và sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm sẽ được coi trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm từ khu vực tư nhân và các quốc gia khác, nơi KPI đã được ứng dụng từ lâu.

Tuy nhiên, việc xây dựng và sử dụng KPI cho các cơ quan, đơn vị nhà nước cũng sẽ đối diện với thách thức không nhỏ. Trên thực tế, rất nhiều công việc được xử lý qua nhiều khâu, nhiều người cùng tham gia khiến việc lượng hóa, phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều công việc trong khu vực công không dễ để đo lường, lượng hóa thành những số lượng sản phẩm đơn thuần. Nhiều công việc không đơn giản chỉ hướng đến hoàn thành chỉ tiêu về số lượng mà phải đặc biệt coi trọng mức độ tác động xã hội, chất lượng của kết quả công việc.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là trước hết cần xây dựng các bộ KPI riêng biệt cho từng loại vị trí việc làm gắn với mỗi cơ quan, đơn vị. Bên cạnh các bộ phận chức năng và có thẩm quyền, quá trình xây dựng KPI nên có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thực tiễn để bảo đảm chất lượng và khả năng áp dụng trong thực tế. Trước khi đưa vào áp dụng trên phạm vi rộng, các bộ KPI nên được thử nghiệm tại một số đơn vị cụ thể, từ đó điều chỉnh, hoàn thiện.

Việc sử dụng KPI để đánh giá cán bộ, công chức là một bước tiến trong cải cách hệ thống hành chính công nhưng để công cụ này phát huy tác dụng thì cần thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để KPI sẽ thực sự là thước đo khách quan năng lực của mỗi cá nhân trong công việc.

PV: Sự phát triển của hạ tầng công nghệ hiện nay liệu có giúp gia tăng chất lượng và khả năng thành công của công cụ KPI hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng: Rõ ràng là năng lực công nghệ của chúng ta hiện nay khá tốt, sẽ rất hữu ích trong việc ứng dụng KPI để đánh giá cán bộ, công chức. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, các phần mềm đa dạng có thể giúp tiết kiệm thời gian, chuẩn hóa quy trình và gia tăng tính khách quan, công khai, minh bạch trong việc theo dõi và giám sát tiến độ thực hiện KPI cũng như việc đánh giá cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng điều kiện công nghệ có thuận lợi đến đâu cũng chỉ hỗ trợ quá trình ứng dụng KPI chứ không thể thay thế chất lượng của các bộ công cụ KPI trong việc đánh giá cán bộ, công chức. Có nghĩa là, để việc đánh giá có thể chính xác, công bằng và minh bạch thì đòi hỏi nhiều điều kiện, quan trọng nhất như: Mức độ hoàn chỉnh và chất lượng của công cụ KPI, tính thực tế và khả thi của KPI, sự công tâm và khách quan của người đánh giá thông qua KPI... Sử dụng KPI trong khu vực công sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng đây là xu hướng tất yếu cho nên chúng ta cần kiên trì, hoàn thiện từng bước để hướng tới tính duy lý và khoa học trong việc đánh giá năng lực làm việc của cá nhân, tổ chức.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KIỀU OANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bo-kpi-tot-se-tao-ap-luc-tich-cuc-va-ghi-nhan-chinh-xac-ket-qua-cong-viec-829543