Bộ kỹ năng 6T dành cho thực tập kỹ năng tại Nhật Bản
Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Nhật Bản và Việt Nam đã được kiểm soát tốt. Vì thế, chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép nhập cảnh trở lại đối với lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động đến từ Việt Nam. Các công ty phái cử Việt Nam cũng đã hoạt động sôi nổi trở lại, đơn hàng tuyển dụng liên tục, đa dạng ngành nghề. Đối với người lao động (NLĐ), để đáp ứng được yêu cầu công việc và bảo đảm chất lượng cuộc sống tại Nhật Bản trong thời kỳ mới, cần phải có bộ kỹ năng 6T.
3T dành cho công việc
T1 - Tiếng Nhật: Các công ty phái cử chính quy đều có quy trình đào tạo tiếng Nhật 2 giai đoạn: trước phỏng vấn và đào tạo tiếng Nhật nâng cao sau khi trúng tuyển chính thức cho đến lúc xuất cảnh. NLĐ cần phải thật sự nghiêm túc học tập trong suốt 2 giai đoạn này để có trình độ tiếng Nhật tối thiểu N5, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp khi làm việc tại công ty tiếp nhận Nhật Bản. Việc thấu hiểu trong giao tiếp sẽ giúp hạn chế phát sinh xảy ra giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động, đồng thời tạo được thiện cảm tốt hơn, công việc thuận lợi hơn, lương thưởng sẽ tăng thêm.
T2 - Tay nghề: Đối với lao động nam, đa phần sẽ làm việc tại các xưởng cơ khí (tiện, hàn, phay, bào, đúc, dập, gia công, sơn, điện...), xây dựng, nông nghiệp. Đối với lao động nữ sẽ làm việc tại các xưởng chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử, xưởng may, xưởng dệt, đóng gói sản phẩm, gia công cơ khí,... Vì vậy, để đáp ứng tốt yêu cầu công việc khi sang Nhật, sau khi có thông báo trúng tuyển chính thức, NLĐ nên chủ động trau dồi thêm tay nghề theo đúng công việc đã được tuyển chọn, nhằm bảo đảm mọi yêu cầu chuyên môn từ phía chủ sử dụng lao động.
T3 - Tác phong: Người Nhật đã nổi tiếng toàn thế giới với tác phong, kỷ luật rất nghiêm ngặt kể cả trong công việc cũng như cuộc sống. Vì thế, lao động Việt Nam cần phải tập làm quen với những điều này, đặc biệt là tác phong làm việc công nghiệp, để dễ dàng hòa nhập trong suốt quá trình làm việc, học tập và sống xung quanh người Nhật.
3T dành cho cuộc sống
T4 - Thời gian (kỹ năng quản lý thời gian): Khi sang Nhật, NLĐ cần phải quản lý quỹ thời gian một cách hợp lý nếu không muốn bị quá tải. NLĐ phải cân bằng giữa thời gian làm việc bao gồm cả làm tăng ca, thời gian học tiếng Nhật, thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. NLĐ cũng cần tập lên kế hoạch và sắp xếp các công việc một cách chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu đi Nhật không chỉ là kiếm tiền mà nên có thời gian ưu tiên cho học tập tiếng, chuẩn bị cho một tương lai tốt hơn khi trở về Việt Nam.
T5 - Thích nghi: Nhật Bản là một đất nước có con người, văn hóa, lối sống khá khác biệt đối với lao động Việt Nam. Đặc biệt, với khí hậu 4 mùa rõ rệt, trong đó có mùa đông tuyết rơi khá khắc nghiệt, NLĐ cần phải chuẩn bị tâm lý và kỹ năng sinh hoạt phù hợp nhất có thể để thích nghi.
T6 - Tự chăm sóc: Khi sang Nhật làm việc, đồng nghĩa NLĐ sẽ phải tự lập hoàn toàn, tự lo sinh hoạt, tự đi chợ nấu nướng, tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. Vì tính chất công việc khá vất vả, quỹ thời gian lại ít nên kỹ năng tự chăm sóc bản thân cần phải được NLĐ chuẩn bị kỹ lưỡng để giúp bản thân có thể làm chủ tốt cuộc sống và công việc tại Nhật.
Thực tập kỹ năng tại Nhật Bản là một chương trình rất tốt đối với các thanh niên đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại nước ngoài hoặc muốn trải nghiệm, thử thách bản thân, tìm kiếm vốn và cơ hội khởi nghiệp. Vì thế, những kỹ năng trên là vô cùng cần thiết mà NLĐ phải chuẩn bị để chủ động hơn với tình hình mới sau dịch Covid-19.