Bộ LĐTB-XH có app tuyển sinh nhưng trường nghề thấy chưa hiệu quả

Trực thuộc UBND, trường cao đẳng được quan tâm đầu tư trang thiết bị vật chất trên cơ sở tiết kiệm, phù hợp điều kiện thực tế phát triển của đơn vị.

Chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, từ công tác đào tạo đến thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác của một số trường cao đẳng kịp thời tháo gỡ khó khăn, chú trọng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của trường đào tạo nghề vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đình Thâm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho biết, tháng 9/2020, theo Quyết định số 1146/QĐ-LĐTBXH, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Đồng Nai chính thức sáp nhập vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng Nai, đổi tên thành Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai và trực thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Một tiết học của thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. (Ảnh: website nhà trường).

Một tiết học của thầy và trò Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. (Ảnh: website nhà trường).

Chia sẻ về những thuận lợi, theo thầy Thâm, thứ nhất, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, mối quan hệ, cũng như sức ảnh hưởng của trường được mở rộng hơn thay vì bó hẹp trong phạm vi của một đơn vị trực thuộc như sở quản lý. Nhờ vậy, trường có điều kiện để phối hợp với nhiều đơn vị khác nhau nhằm tạo hiệu quả trong quá trình triển khai các hoạt động.

Thứ hai, trường được quan tâm đầu tư trang thiết bị vật chất trên cơ sở tiết kiệm, phù hợp điều kiện thực tế phát triển của đơn vị.

Song, những đề xuất của trường lên Ủy ban nhân dân tỉnh phải đảm bảo thực tiễn, cấp thiết. Tất nhiên, không phải đề xuất nào của nhà trường cũng được trình văn bản xin ý kiến trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh mà một số lĩnh vực phải thông qua các đơn vị quản lý thứ cấp khác.

Ví dụ như: liên quan đến đầu tư các trang thiết bị (tùy loại), vấn đề tài chính, kinh phí… thì phải thông qua Sở Tài chính tỉnh để tiến hành thẩm định trước khi trình Ủy ban nhân dân.

Chia sẻ về việc tuyển sinh, theo thầy Thâm: “Mỗi năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo cho các đơn vị nhà trường tham gia, cùng nhau “điểm mặt” những vướng mắc để Bộ kịp thời tháo gỡ.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có app tuyển sinh áp dụng chung đối với các trường cao đẳng đào tạo nghề. Song, qua thời gian theo dõi, chỉ có một số ít học sinh liên hệ và nộp hồ sơ online vào trường thông qua app này nên hiệu quả tuyển sinh chưa cao. Hiện việc tuyển sinh thông qua website nhà trường vẫn là chủ yếu và đảm bảo tính thực tế hơn”, thầy Thâm chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn ví như hàng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Sau đó tiến hành họp, thống nhất chỉ tiêu gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh để chờ quyết định giao chỉ tiêu cho trường.

“Trước vướng mắc trong công tác đào tạo, tuyển sinh, đầu tư cơ sở vật chất… nhà trường phải chủ động tìm ra giải pháp trước rồi mới làm văn bản trình lên cơ quan chủ quản xin ý kiến chỉ đạo, chứ không phải mang tất cả khó khăn của trường “phó thác” cấp trên có phương án xử lý cho trường", thầy Thâm cho biết.

Cùng gặp khó trong công tác tuyển sinh khi chuyển từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, chia sẻ với phóng viên, một vị cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường cao đẳng nghề đào tạo khối ngành y dược ở miền Trung cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý công việc chung, còn lại các vấn đề triển khai đều do nhà trường chủ động làm việc, trong đó có công tác tuyển sinh.

Cụ thể, trước kia, khi còn là trường trung cấp, trường được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Từ năm 2018 trường nâng cấp lên cao đẳng và thuộc quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

“Năm 2022, tuyển sinh đầu cấp chính quy vào trường đạt 44% (chênh lệch so với các năm trước từ 1-2%)”, vị này cho hay.

Về những khó khăn trong tuyển sinh, theo vị này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện hướng dẫn cách làm, cách tuyên truyền để trường tiếp cận học sinh. Tuy nhiên, hiện nhiều trường cao đẳng nghề tư thục mở ngành học đón đầu xu thế; chưa kể đầu vào của trường đại học đào tạo y dược “rộng mở” hơn nên dễ dàng thu hút thí sinh khiến các trường nghề công lập khó tuyển sinh hơn.

Hiện tại, trường mới chỉ liên kết với một số trường trung học phổ thông để tiến hành công tác chiêu sinh. Thời điểm học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp, cuối tháng 3 và vào tháng 9, 10, trường đã phải rốt ráo triển khai các hoạt động tư vấn trực tiếp cho các em học sinh.

Được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, bên cạnh việc nhà trường nhận sự chỉ đạo sát sao, thì quy định về chỉ tiêu tuyển sinh cũng gây khó khăn hơn so với trước kia Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

"Mức độ quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường nhẹ hơn so với Bộ quản lý. Với quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ sẽ đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu sinh viên nhập học nhiều hơn so Sở. Điều này không chỉ là khó khăn mà còn là thách thức đối với nhà trường. Thực tế mỗi năm, nhà trường đều phải nỗ lực để đạt chỉ tiêu tuyển sinh tối thiểu, khó đạt chuẩn theo con số của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra”, vị này chia sẻ.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-ldtb-xh-co-app-tuyen-sinh-nhung-truong-nghe-thay-chua-hieu-qua-post233796.gd