Bộ LĐTB&XH đề xuất bổ sung nhiều đối tượng thụ hưởng gói 62.000 tỷ đồng
Bộ LĐTB&XH đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho vay từ gói 62.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khi xảy ra dịch Covid-19 lần 2.
Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ LĐTB&XH cho biết, tính đến ngày 27/7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí trên 17,5 ngàn tỷ đồng. Kho bạc bạc Nhà nước trung ương đã thực hiện giải ngân 11.920,865 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.964.652 người và 12.784 hộ kinh doanh. Chi cục Thuế đã thực hiện thẩm định được 22.908 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ....
Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ người lao động (NLĐ), hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ NLĐ còn ít.
Để tiếp tục hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ LĐTB&XH đề xuất: Mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay đến hết tháng 12 năm 2020 và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn.
Theo đó, đối với Nghị quyết số 42/NQ-CP, bổ sung vào khoản 1 mục II cụm từ: “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (chi hoạt động)". Và bổ sung câu: Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 2 năm 2020 đến ngày 1 tháng 6 năm 2020.
Cụ thể sửa đổi thành: "Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 và không quá 3 tháng. Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 02 năm 2020 đến ngày 1 tháng 6 năm 2020.”
Tại khoản 2 mục II, sửa đổi thành: "Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2020 đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội”.
Đối với Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi,bổ sung khoản 1 Điều 1 thành: “Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 2 năm 2020 đến ngày 1 tháng 6 năm 2020”.
Và, sửađổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 thành: “Làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (chi hoạt động) không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, quỹ dự phòng ổn định thu nhập, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của đơn vị, số dư của tháng liền kề trước khi doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cở sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (chi hoạt động) lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.
Khoản 2 Điều 13 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Người sử dụng lao động có doanh thu quý I năm 2020 giảm 20% trở lên so với quý IV năm 2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019...