Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh một số thủ tục hưởng gói 26.000 tỷ đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo có 8 nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP. Cụ thể:
Trước tiên, Bộ đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu: giảm từ 10% xuống 5%” cụ thể như sau: “Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”.
Còn tại điểm 4 mục II sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1/ 5//2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19(sau đây gọi là Chỉ thị số 16/CT-TTg); được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.”
Nội dung điều chỉnh tiếp theo là sửa đổi, bổ sung đối tượng phải điều trị COVID-19, trên các địa bản thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hưởng chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc cụ thể như sau: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc và thuộc một trong các đối tượng sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg, do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5//2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người”.
Tiếp đó là sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.”
Đối với đối tượng hộ kinh doanh trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được bổ sung, sửa đổi hỗ trợ cụ thể như sau: “Hộ kinh doanh có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/ 5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.”
Bộ cũng đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tiến dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc. Cụ thể như sau: “Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.”
Bộ đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó có nợ xấu tại tổ chức tiến dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” bổ sung đối tượng người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.
Cuối cùng, đối với chính sách dành cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, dự thảo bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như sau: “Ngân sách Trung ương hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách”.
Theo Bộ LĐTBXH, kết quả công bố đến ngày 29/8 cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro.
Vì vậy, cùng với đề xuất sửa đổi Nghị quyết 68, trong tháng 9 này, Bộ sẽ lập ít nhất 20 đoàn kiểm tra, giám sát và giúp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Được biết, ngày 27/8, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục thuế, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đối với dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến góp ý của bộ, ngành và các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết sửa đổi một số nội dung như trên.