Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm mới bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động

Sau gần 1 năm triển khai, nhiều điểm mới quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã nhận được sự quan tâm và tích cực hưởng ứng của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị phỏng vấn ông LÊ NGUYÊN HỒNG, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết những điểm mới nổi bật của Bộ luật Lao động năm 2019?

- Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có 10 điểm mới chủ yếu đối với người lao động (NLĐ) và 6 điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động. Trong đó, có những điểm mới nổi bật như: Lần đầu tiên mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động. Mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; các định chế về hợp đồng lao động theo hướng bảo vệ tốt hơn đối với NLĐ.

Cụ thể, NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng lao động. NLĐ được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động (các chi phí cung cấp tài liệu này do người sử dụng lao động trả).

Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, trong đó lao động nam đủ 62 tuổi vào năm 2028; lao động nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu mỗi tháng tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam; 4 tháng đối với lao động nữ. Người bị suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu trước không quá 5 tuổi; người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi theo quy định.

Giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần, tuy nhiên nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ. Thời gian làm thêm tối đa trong 1 tháng tăng từ 30 giờ lên 40 giờ; những trường hợp được làm thêm đến 300 giờ/năm có quy định cụ thể hơn. Từ năm 2021, NLĐ được nghỉ thêm một ngày lễ dịp Quốc khánh 2/9; tổng số ngày nghỉ lễ, tết hằng năm của NLĐ là 11 ngày.

Doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động dựa trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận của người sử dụng lao động và NLĐ. Bổ sung quy định, trường hợp nghỉ việc hơn ngày làm việc, tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận. Đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp từ 3 tháng một lần đổi thành năm ít nhất 1 lần; ngoài ra phải tổ chức đối thoại theo vụ việc và đối thoại theo yêu cầu của 1 trong 2 bên.

- Để doanh nghiệp và NLĐ nắm bắt và thực hiện các nội dung quy định trong bộ luật này, thời gian qua tỉnh Quảng Trị đã triển khai những hoạt động gì, thưa ông?

- Năm 2020, Sở LĐ - TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3735/KH-UBND ngày 14/8/2020 triển khai thi hành Bộ luật Lao động số 45/2019/ QH14 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn từ 2020-2024 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến NLĐ và người sử dụng lao động.

Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các đơn vị, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, NLĐ nhất là công nhân tại các khu công nghiệp, khu kinh tế về những điểm mới của Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan.

LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, in ấn nguồn tài liệu triển khai Bộ luật Lao động, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 phát cho NLĐ và người sử dụng lao động bằng việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin biên soạn tài liệu, thiết kế slide, inforgraphics bài giảng để chuyển tải nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, NLĐ một cách rộng rãi, kịp thời và tiện lợi nhất.

 Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra việc thực hiện các quy định lao động tại doanh nghiệp may mặc - Ảnh: L.T

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra việc thực hiện các quy định lao động tại doanh nghiệp may mặc - Ảnh: L.T

Sở LĐ - TB&XH đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tập huấn tăng cường năng lực cho đội ngũ tham mưu quản lý lao động. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tham mưu quản lý lao động để thực hiện nội dung mới của Bộ luật Lao động. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyển dụng, bổ nhiệm hòa giải viên lao động; Quyết định bổ nhiệm 21 hòa giải viên lao động; Quyết định ban hành quy chế quản lý hòa giải viên lao động; Quyết định bổ nhiệm 15 trọng tài viên lao động; Quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động.

Trong năm 2021, hòa giải viên cấp huyện đã hòa giải thành công 1 vụ tranh chấp lao động cá nhân. Bên cạnh đó, Sở LĐ - TB&XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, hướng dẫn quy trình đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa các chủ thể trong quan hệ lao động về việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc và các chế độ phúc lợi.

Tham mưu UBND tỉnh thiết lập cơ chế tham vấn ba bên một cách linh hoạt để tư vấn, hỗ trợ cho cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề về quan hệ lao động, bao gồm việc lấy ý kiến của ba bên về công tác xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung về quan hệ lao động.

- Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm mới theo hướng bảo vệ tốt hơn các quyền lợi của NLĐ. Để đảm bảo người sử dụng lao động chấp hành nghiêm các quy định của luật, tỉnh có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện bộ luật này ở doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Bắt đầu từ năm 2021, định kỳ hằng năm, Sở LĐ - TB&XH phối hợp các sở, ngành liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 tại các địa phương, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm quy định của luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để NLĐ nắm bắt và thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát của bản thân NLĐ đối với doanh nghiệp nơi NLĐ công tác như: Việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; thực hiện nội quy lao động, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ; sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do NLĐ đóng góp; trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162839&title=bo-luat-lao-dong-nam-2019-co-nhieu-diem-moi-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-nguoi-lao-dong