Bố mất, mẹ biệt tích, 3 chị em mồ côi mong được nâng bước đến trường
Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều thứ Sáu, các thầy cô lại chia khẩu phần cho ba chị em mang về nhà, nào gạo, nào mì tôm, cháo gói, bánh mì, sữa, thịt hộp...
Bố mất, mẹ biệt tích, bỏ lại ba chị em mồ côi
Một buổi chiều muộn thứ Sáu, giữa làn sương lạnh của ngày Đông, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ba đứa trẻ người Mông, vai khoác ba lô, tay ôm lỉnh kỉnh những túi đồ ăn, đi dọc theo con đường nhỏ ở Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, Lào Cai).
Cô bé cao nhất đi sau cùng, là chị cả trong gia đình, tên Ma Thị Nhanh (học sinh lớp 7B, Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ), đang khệ nệ ôm một bao gạo nhỏ. Phía trước, hai đứa trẻ một trai, một gái cũng đang cùng nhau xách một túi nilong đựng cháo gói, mì tôm...
Cậu em trai thứ hai, tên Ma Seo Sảo (học sinh lớp 6A, Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ) với vóc dáng chỉ nhỉnh hơn trẻ lớp 1 đôi chút và cô em út Ma Thị Dung (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ) cũng có điểm chung ở vóc dáng nhỏ bé.
Nhắc đến gia cảnh của ba chị em cô bé Nhanh, chẳng những, cả vùng không ai không biết, mà còn rất thương cảm.
Trao đổi với phóng viên, ông Thào Seo Phử (Phó Chủ tịch xã Tả Ngài Chồ) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của ba đứa trẻ thực sự rất đáng thương! Bố thì mất từ sớm, sau đó, mẹ lại bỏ trốn sang bên kia biên giới làm ăn. Hồi đầu cũng có về thăm nhà một hai lần, nhưng sau rồi biệt tích. Người ta đồn, mẹ bọn trẻ đã lấy chồng khác, đã có gia đình mới ở bên kia biên giới.
Vậy là cuối cùng, người mẹ ấy đành nhẫn tâm bỏ lại ba đứa con thơ cho một tay bà nội già yếu chăm sóc. Bà nội của mấy đứa nhỏ cũng nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu chỉ trông vào mấy nương ngô, nhưng sức khỏe của bà cũng dần kém đi, không cáng đáng nổi. Cũng có lúc, ngô đến mùa thu hoạch, mấy bà cháu không đủ sức, xã lại huy động bà con nhân dân và cán bộ đến hỗ trợ”.
Vốn là chị cả, nên cô bé Ma Thị Nhanh cũng có vẻ tháo vát, nhanh nhẹn hơn hẳn so với các em của mình.
Theo cô Trần Thu Hằng (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ), từ ngày bố mất, mẹ bỏ đi, bà nội cũng dần già yếu, trách nhiệm chăm sóc cho các em dường như bỗng nặng trĩu trên đôi vai một đứa trẻ.
Trò chuyện với Nhanh, thoạt đầu, cô bé còn khá bẽn lẽn khi tiếp xúc với người lạ. Chúng tôi phải hỏi han mãi, cô bé mới chịu mở lời: “Hồi em học lớp 2, sau khi bố mất, mẹ nói với chúng em là mẹ đi làm thuê, kiếm tiền về trang trải và lo cho chúng em cuộc sống tốt. Cũng có mấy lần mẹ về thăm vài ngày, nhưng rồi, kể từ hồi em lên lớp 3, đã không thấy mẹ trở về nữa. Trước khi đi, mẹ cũng chẳng ôm chúng em lấy một cái, chỉ dặn: “Ở nhà không được đi đâu”.
Lúc mẹ đi, em út khóc rất nhiều. Em phải tìm đủ cách để dỗ dành, cho em không khóc nữa. Đến bữa, em lại bón cơm cho em út mới chịu ăn... Hồi đầu, bà đi làm đến tối mới về, nên đã chuẩn bị sẵn đồ ăn rồi mới đi. Rồi dần dần, em bắt đầu biết làm việc nhà giúp bà, nhìn bà nấu cơm để học theo, lúc em khóc thì cõng em đi quanh quanh để dỗ dành.
Cũng từng có lúc, cả ba chị em nhớ mẹ, cũng khóc như mưa, bà thấy vậy thì vội vàng lấy kẹo ra dỗ. Bà nội nói với em: “Mẹ không về nữa rồi, thì ở với bà, bà nuôi”. Sau đó, em không muốn hỏi bà thêm điều gì về mẹ nữa. Thỉnh thoảng, hai bà cháu chỉ tâm sự với nhau về những chuyện trường, hay những chuyện ở làng, ở bản. Nhìn thấy các em khóc, em cố nuốt nước mắt để dỗ em.
Cô Hiệu trưởng Trần Thu Hằng ngồi kế bên cũng không khỏi xúc động: “Người lớn bỏ đi, chỉ khổ cho mấy đứa nhỏ. Như cô bé Nhanh này, mới tí tuổi đầu đã phải chăm em, đỡ bà làm việc nhà. Đến dịp nào được nghỉ, cô bé lại về nhà phụ bà đi trồng ngô, để gia đình có cái ăn, cái mặc. Suốt mấy năm trời, mấy đứa nhỏ cũng dần nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ.
Thỉnh thoảng, tôi cũng hỏi han và tâm sự với các em. Thương nhất là khi tôi hỏi: “Các em có nhớ mẹ nhiều không?”, thì câu trả lời của những đôi mắt buồn ngây thơ lại là: “Mẹ đi lâu quá, trong nhà cũng chẳng có bức ảnh nào của mẹ, chúng em đã không còn nhớ nổi mặt mẹ ra sao nữa...”. Nghe đến đó, mà cổ họng tôi tự nhiên cũng nghẹn đắng lại”.
Nâng bước đến trường, mở tương lai sáng
Nói thêm về gia cảnh hiện tại của ba chị em cô bé Ma Thị Nhanh, Chủ tịch xã Tả Ngài Chồ cho biết: “Bà nội của mấy đứa nhỏ vốn cũng đông con, nên mỗi lúc lại đến sống với một người con. Mấy năm gần đây, bà đưa theo ba đứa nhỏ đến sống ở nhà người con gái, ở gần trường học để tiện chuyện đi học của các cháu. Lâu lâu, mấy bà cháu lại đến thăm nhà người con trai ở trong làng. Bên cạnh đó, bà nội cũng đã bán ngôi nhà nhỏ mà trước kia mấy bà cháu cùng nương tựa, nên mấy đứa nhỏ cũng chỉ có thể nay ở đây, mai ở đó”.
Cô giáo Trần Thu Hằng thông tin thêm: “Nhanh là một học sinh ngoan, sức học khá tốt và cũng ấp ủ những ước mơ với tương lai sáng. Tuy nhiên, nhiều lúc, cô bé còn thiếu tự tin và khá rụt rè. Chúng tôi rất mong, cả ba chị em có điều kiện để phát triển, có cơ hội tìm được tương lai của mình.
Bước đầu, trong thời gian qua, chúng tôi tổ chức cho các em ăn bán trú tại trường. Đồng thời, nhà trường cũng kêu gọi từ một số nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm cho bữa ăn vào cuối tuần. Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều thứ Sáu, chúng tôi lại chia khẩu phần cho ba chị em mang về nhà, nào gạo, nào mì tôm, cháo gói, bánh mì, sữa, thịt hộp...”.
Sau những phút rụt rè, cô bé Ma Thị Nhanh cũng mạnh dạn hơn và chủ động bày tỏ: “Em thích đi học lắm! Từ lúc học ở trường, chúng em luôn được các thầy cô quan tâm, tận tình chỉ bảo, chúng em học được biết bao điều hay. Đặc biệt, bữa nào cũng được ăn no. Đúng là đi học thích hơn ở nhà. Mấy chị em em đều muốn được đi học, không muốn phải nghỉ học đâu”.
Cô học sinh lớp 7 vốn yêu thích và có năng khiếu về môn Ngữ văn, rất muốn được trau dồi thêm mỗi ngày và có điều kiện để có thể biết thêm nhiều điều bổ ích hơn mỗi ngày, song, với cả cô bé và hai đứa em, dù rất hiếu học, nhưng con đường học tập phía trước hẳn cũng không mấy dễ dàng.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang duy trì được việc hỗ trợ cho ba chị em ấy cùng một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác, các chú bộ đội ở đồn biên phòng cũng giúp đỡ rất nhiều thông qua chương trình Nâng bước em đến trường. Tuy nhiên, không biết sẽ hỗ trợ các em được đến khi nào, bởi lẽ, trên địa bàn xã, cũng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cần được giúp đỡ, nên nếu có một ngày, những đứa trẻ ấy lại trở về cuộc sống “bữa đói bữa no” thì quả thực rất đáng thương!
Cả ba chị em đều “bé như cái kẹo”, bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là cậu em trai Ma Seo Sảo, đứng “lọt thỏm” giữa các bạn cùng lớp. Vì vậy, chúng tôi hy vọng, sẽ không để các em phải đói thêm một bữa nào nữa, để có thể đảm bảo sức khỏe mà lớn khôn và vươn tới điều mà các em mơ ước”, nữ Hiệu trưởng bộc bạch.
Em thích Tết lắm! Vì được ăn món ngon, được mặc quần áo mới
“Em thích ngày Tết lắm! Vì Tết đến, ba chị em em lại được mặc quần áo mới do thầy cô và các cô chú tặng, lại được ăn những món ngon và được ở bên bà nhiều hơn. Nhưng mà em cũng có lúc buồn, vì khi nghe người ta nói, Tết là lúc gia đình đoàn viên, là lúc quây quân bên bố mẹ... thì em lại có những cảm xúc khó tả. Tuy vậy, nỗi buồn ấy cũng chỉ vụt qua nhanh thôi, vì em là chị cả, em tự nhủ, mình phải “làm gương”, phải luôn mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các em và sau này làm “điểm tựa” cho bà nội. Em cũng mong, chúng em vẫn sẽ được đón thêm nhiều những cái Tết ấm áp như mấy năm qua”, nữ sinh lớp 7 Ma Thị Nhanh khẽ nở một nụ cười.