Bộ mặt tư bản

Ngày 27-6-2022, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã diễn ra tại Đức. Tại hội nghị này, G7 đã ra tuyên bố chung về vấn đề Nga và Ukraine. Trong đó, các nhà lãnh đạo của G7 (chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây) thống nhất gia tăng các biện pháp làm cho nền kinh tế Nga suy yếu. Đây là sự kiện nhìn qua có vẻ hợp logic thông thường. Tuy nhiên, đằng sau sự kiện ấy chúng ta mới thấy bộ mặt, bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi.

Hợp logic ở chỗ, bạn là một học sinh bình thường ở trong lớp. Ngày trước, bạn luôn dựa vào một bạn to lớn để chống lại bạn khác. Đến lúc đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, bạn lại nghe lời ngon ngọt để đi cùng mấy người bạn xấu và quay lại chống chính người bạn to lớn mình đã theo khi trước. Khi nhận ra mình quá thất thế trước người bạn to lớn đó, bạn phải nhờ cậy đến những người bạn lúc trước cho mình những lời ngon ngọt. Những người bạn cho mình lời ngon ngọt khi nghe lời cầu cứu không lẽ lại không có động thái. Chúng bàn với nhau cứu cho có lệ vì nể tên bạn kia to lớn quá, đối đầu với nó cũng không được tác dụng gì, chỉ thiệt thân. Vậy là, nhóm bạn xấu kia một mặt giả vờ không chơi với người bạn to lớn kia, mặt khác, mỗi đứa cung cấp mấy món vũ khí cho bạn chống lại tên bạn to lớn kia. Nào là gậy, gạch, đá để chống lại tên bạn có biệt danh “bàn tay gấu” mà lại sở hữu “hàng nóng”. Nói như vậy để chúng ta có thể định hình ra chân dung của một số nước trong một ví dụ về lớp học thu nhỏ.

Câu chuyện nêu trên khắc họa phần nào đó nhóm G7, đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây lúc này. Và sau sự kiện này, người ta thấy rõ bộ mặt thật của G7 hơn đó là: Vào ngày 22-6-2022, tức là trước 5 ngày diễn ra Hội nghị G7, có hơn 1.500 người chết vì động đất ở Afghanistan. Một thảm họa đau lòng như vậy mà không thấy G7 bày tỏ động thái gì. Họ lại đi đến thống nhất “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách “bơm” cho Ukraine tới hơn 70 tỷ USD. Afghanistan đang bị thảm họa như vậy thì không được 1 xu. Đành rằng không nước nào mong muốn mình bị động đất, sóng thần hay bất cứ thảm họa nào khác cướp đi sinh mạng con người để rồi ngồi chờ từng đồng tiền viện trợ. Nhưng trong tình cảnh này, việc làm nào mang tính con người hơn, nên làm nhất lúc này có lẽ bị các quan chức G7 không biết vô tình hay cố ý lãng quên. Mạng sống con người là rất đáng trân quý, không phân biệt màu da, tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ… Nhưng cái kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như cái cách mà Mỹ và phương Tây đang hành xử càng cho thấy mục đích chính trị đầy mưu mô, toan tính của họ.

Tiêu chuẩn kép họ thể hiện rõ mồn một sự thiếu nhiệt tình trong việc hỗ trợ các quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Điều này trái ngược hẳn với sự hưng phấn vô song của họ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bởi vì quan tâm đến sinh mạng của những con người ở xứ sở kia sẽ chẳng làm cho Nga suy yếu đi nên họ chẳng mảy may bận tâm. Chính vì lẽ đó, cuộc chiến Ukraine đã làm lộ rõ bản chất của tư bản, một bản chất hèn hạ; một bản chất lộ rõ mưu đồ chính trị chứ không phải vì hòa bình quốc tế. Afghanistan đang rất cần các nỗ lực cứu hộ và viện trợ lúc này. Một phép tính đơn giản, chỉ cần 1% số tiền mà các nước dự định viện trợ cho Ukraine đủ để Afghanistan khắc phục hậu quả động đất. Trận động đất xảy ra giữa lúc nước này quay cuồng với khủng hoảng kinh tế, lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Liên hợp quốc cho biết, 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy trong trận động đất, nhiều ngôi nhà đã biến thành đống đổ nát và chôn vùi nạn nhân bên trong. Một số ngôi làng đã bị san phẳng hoàn toàn hoặc bị tàn phá, thiệt hại tới hơn 70%. Người ta ước tính sẽ mất nhiều tháng và có thể là nhiều năm để xây dựng lại.

Tình trạng tồi tệ ở Afghanistan đã diễn ra trong nhiều năm qua do chiến tranh kéo dài và thiên tai, dịch bệnh. Tình trạng đó ngày càng trở nên nghiêm trọng sau khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8-2021. Lúc đó, Mỹ và đồng minh đã cắt đứt các nguồn viện trợ quốc tế, đóng băng khoảng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan. Người ta có câu “đã nghèo còn gặp cái eo”, Mỹ rút quân thì đồng nghĩa với các lệnh cấm vận, trừng phạt ở lại. Các biện pháp trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế Afghanistan và đẩy gần 20 triệu dân đối mặt với nạn đói. Hàng triệu người dân Afghanistan không có việc làm, nhân viên chính phủ không được trả lương và giá lương thực tăng vọt. Các biện pháp trừng phạt gây tổn hại nhiều đến mức người dân Afghanistan cũng không thể chuyển tiền tới hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất.

Ở chiều ngược lại, do hành động quân sự tại Ukraine, Nga đang phải chịu sự trừng phạt mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây. Nhưng có một điều nực cười là Mỹ và đồng minh gây chiến khắp nơi mà lại không phải chịu bất cứ lệnh trừng phạt hay cấm vận gì. Mỹ và các nước đồng minh châu Âu có thể thoải mái gây chiến từ Afghanistan, Iraq, Libya, Syria… mà không phải chịu trừng phạt. Trong khi đó, Nga bị truyền thông đại chúng miêu tả như “Đức quốc xã” vì hành động quân sự của mình tại Ukraine. Có một chân lý đó là hành vi đạo đức giả của người này không được lấy hành động bạo lực của người khác ra để bào chữa. Điều đó có nghĩa Mỹ và đồng minh có thể gây chiến ở khắp nơi nhưng Nga không thể vin vào đó mà làm điều tương tự với nước khác. Bởi vì chủ quyền lãnh thổ là điều thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Độc lập, tự chủ của nước này không thể chờ nước khác ban phát cho được. Hằng ngày, các tin tức cho chúng ta biết rằng Mỹ, Anh, Pháp, Đức hoặc một số cường quốc phương Tây khác đã quyết định vận chuyển nhiều loại vũ khí sát thương mới tới Ukraine. Chưa thống kê hết có bao nhiêu tỷ USD đã được họ đổ vào cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, ngược lại có rất ít hoạt động đưa ra các nền tảng cho giải pháp ngoại giao bất bạo động. Một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi, châu Á đề nghị hòa giải hoặc tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến, nhưng tất cả đều là nỗ lực bất thành, bị phá vỡ bởi bản chất tư bản phương Tây.

Dù đúng là thái độ Mỹ và phương Tây trong nhóm G7 đối với Ukraine khác với thái độ của họ đối với các nạn nhân đến từ Afghanistan nhưng người ta sẽ phải cẩn thận trước khi cho rằng những người Ukraine còn sót lại sẽ có cuộc sống tốt hơn các nạn nhân của chiến tranh ở Trung Đông. Cần khẳng định sự vi phạm chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Việc biến Ukraine, Afghanistan hay bất kỳ quốc gia nào đó thành một khu vực của cuộc đấu tranh địa chính trị là việc làm thể hiện rõ nhất bản chất tư bản hiện nay.

Đỗ Thành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134949/bo-mat-tu-ban