Bộ máy quản lý 'ngốn' khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm của TKV

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có mạng lưới dày đặc các công ty hạch toán phụ thuộc và công ty con tiêu tốn mỗi năm khoảng 7.000 tỷ đồng chi phí quản lý của tập đoàn.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, tính tới hết tháng 6/2024, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có 25 đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc và 39 đơn vị là công ty con được hợp nhất.

Theo đó, hàng năm TKV ghi nhận chi phí hàng nghìn tỷ đồng chi cho hệ thống quản lý của Tập đoàn, bao gồm công ty mẹ và các công ty nói trên.

Cụ thể, trong năm 2023, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 7.122 tỷ đồng, giảm hơn hơn 200 tỷ đồng so với mức hơn 7.344 tỷ đồng mà tập đoàn này ghi nhận trong năm 2022.

Khai trưởng Công ty CP Than Cao Sơn - TKV. (Ảnh: CST)

Khai trưởng Công ty CP Than Cao Sơn - TKV. (Ảnh: CST)

Nếu tính riêng số liệu 6 tháng đầu năm 2024 thì khoản chi phí quản lý doanh nghiệp của TKV đạt hơn 3.025 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có một số đơn vị có mức chi phí lớn và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty Than Cao Sơn hơn 107 tỷ đồng, Công ty CP than Đèo Nai 77 tỷ đồng tăng hơn 7 tỷ đồng, Công ty Nhôm Đắc Nông 69 tỷ đồng tăng 13 tỷ đồng...

Đáng chú ý, một số đơn vị mặc dù có lợi nhuận năm 2024 sụt giảm so với năm 2023 nhưng các khoản thu nhập cho bộ phận lãnh đạo cấp cao vẫn ghi nhận mức tăng.

Cụ thể, năm 2024, Công ty Than Hà Lầm (HLC) ghi nhận chi phí nhân viên khối quản lý doanh nghiệp hơn 68 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ đồng so với năm 2023. Xét riêng khoản mục chi phí nhân viên quản lý, trong đó, thu nhập của bộ phận các lãnh đạo cấp cao của HLC đã ghi nhận tăng gần 900 triệu, từ gần 4,14 tỷ đồng lên hơn 5,01 tỷ đồng năm 2024.

Tại một công ty khác là Công ty CP Than Cao Sơn (CST) năm 2024, công ty này ghi nhận khoản chi phí quản lý doanh nghiệp đột biến hơn 325 tỷ đồng, tăng khoảng 80 tỷ đồng so với năm trước.

Trong đó, tính riêng trong chi phí nhân viên quản lý của 6 thành viên lãnh đạo cấp cao của CST là hơn 3,9 tỷ đồng, tăng khoảng 500 triệu đồng so với năm 2023. Năm 2024, lợi nhuận sau thuế của CST ghi nhận sự sụt giảm mạnh tới 55% so với mốc 280 tỷ đồng năm 2023.

Đáng chú ý, phần lớn các công ty thành viên hạch toán phụ thuộc hoặc công ty con của TKV có vị trí trụ sở nằm gần nhau và cùng thực hiện một số nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tương đồng. Như tại Tp.Cẩm Phả, có hàng loạt công ty con và thành viên của TKV đang hoạt động nằm san sát nhau như Công ty Than Thống Nhất, Than Cao Sơn, Than Quang Hanh..., mỗi năm những đơn vị này tiêu tốn từ hàng chục và tới cả trăm tỷ đồng cho các chi phí quản lý doanh nghiệp.

Công ty Than Thống Nhất là một trong mạng lưới dày đặc các công ty liên quan TKV loanh quanh trong khu vực Tp.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Công ty Than Thống Nhất là một trong mạng lưới dày đặc các công ty liên quan TKV loanh quanh trong khu vực Tp.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, trong tháng 6/2024, để thuận lợi cho việc khai thác cũng như tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác, Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cọc Sáu đã được hợp nhất thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV.

Ngoài các công ty thành viên phụ thuộc và công ty con, TKV còn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng vào các công ty liên danh liên kết và các hình thức khác. Bên cạnh đó, TKV còn đầu tư vào một số doanh nghiệp hoạt động ngoài lĩnh vực, đơn cử như: Khách sạn heritage Hạ Long, Công ty CP Du lịch và Thương mại TKV, Công ty Đầu tư phát triển Nhà và hạ tầng...

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, TKV ghi nhận doanh thu hơn 76.000 tỷ đồng, cả năm 2023 là hơn 140.000 tỷ đồng. Tại ngày cuối quý II/2024, tổng tài sản TKV đạt hơn 119.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 50.689 tỷ đồng.

Năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đặt mục tiêu khai thác gần 40 triệu tấn than nguyên khai.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trong trong đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký năm 2023, một trong những yếu tố được đưa ra là việc quản lý sử dụng luân chuyển vốn cho hiệu quả, tránh việc một số doanh nghiệp ứ đọng vốn, còn một số doanh nghiệp lại phải đi vay phát sinh chỉ phí tài chính... Bên cạnh đó là việc sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bo-may-quan-ly-ngon-khoang-7000-ty-dong-moi-nam-cua-tkv-204250403212729011.htm