Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè
Trong bối cảnh nền nông nghiệp đang có nhiều bước chuyển mạnh mẽ, những năm gần đây, các hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè.

Vùng chè xóm Ba Đình (xã Tân Long, Đồng Hỷ) có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chuyển đổi cơ cấu giống và ứng dụng công nghệ
Huyện Đồng Hỷ là địa phương đang đứng thứ ba toàn tỉnh về diện tích trồng chè với 3.936ha. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, bên cạnh việc khuyến khích, động viên các hộ dân chuyển đổi cơ cấu giống chè, đưa những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và cho chất lượng cao vào trồng, Đồng Hỷ cũng triển khai chính sách hỗ trợ 70% giá giống chè mới.
Tính riêng giai đoạn 2022-2024, huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ giá chè giống cho 75,9ha; người dân trong huyện đã trồng mới và trồng lại trên 320ha chè giống mới, nâng tỷ lệ diện tích chè giống mới toàn huyện hiện nay lên chiếm 82% tổng diện tích.
Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai các chương trình, chính sách, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè. Toàn huyện hiện có hơn 1.500 máy phun thuốc bằng động cơ điện, 2.000 máy đốn chè, góp phần đưa 90% diện tích được đốn bằng máy, giảm sức lao động thủ công và nâng cao năng suất; trên 950ha chè sử dụng hệ thống tưới bằng van xoay (tăng 250ha so với năm 2020). Hệ thống này không chỉ giúp người dân chủ động nước tưới theo đúng thời vụ mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng chè, đặc biệt là trong vụ đông.

Toàn huyện Đồng Hỷ có trên 950ha chè sử dụng hệ thống tưới bằng van xoay.
Trong khâu chế biến, các hợp tác xã (HTX) chè trên địa bàn huyện đã không ngừng cải tiến quy trình kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại như máy sao điện, máy sao gas, máy hút chân không, máy đóng gói tự động và hệ thống nhà lạnh bảo quản...
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Đồng Hỷ có hơn 30 cơ sở chế biến công suất lớn và hơn 1.000 cơ sở nhỏ lẻ, trung bình sản lượng đạt 50 tấn chè búp tươi/ngày.
Phát triển thương hiệu và đẩy mạnh liên kết
Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và máy móc hiện đại không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất và chế biến mà còn được người dân ứng dụng trong dựng thương hiệu. Đến nay, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể chè: chè Sông Cầu, chè Trại Cài và các mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các vùng chè tập trung ở xã Minh Lập, Khe Mo, Văn Hán, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu....
Hiện nay, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 2.420ha (tăng gần 1.000ha so với năm 2020), trong đó có gần 800ha chè đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ (chiếm 20,5% diện tích chè toàn huyện).

Nhờ ứng dụng máy móc vào khâu chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng sản phẩm chè tại Đồng Hỷ được nâng lên.
Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu riêng. Huyện phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ trên 364.000 tem truy xuất nguồn gốc QR cho các hộ, cơ sở sản xuất, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với nông sản của huyện. Đến nay có 23 sản phẩm chè đã được công nhận OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao.
Theo ông Dương Văn Thịnh, Giám đốc HTX chè Sáo Thịnh: Năm 2024, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm đạt 3 sao OCOP từ việc liên kết các hộ dân, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, mỗi ngày HTX thu mua từ 3-6 tạ chè tươi, nhờ có 40 máy vò, 5 máy sao chè, máy gỡ bi chè, máy hút chân không... hỗ trợ, chỉ với 3 nhân lực, trung bình mỗi ngày xưởng HTX sản xuất 100-120kg chè khô.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong cải thiện chất lượng giống và đồng bộ từ quy trình trồng, sản xuất, chế biến đã góp phần đưa giá trị thu nhập từ sản xuất chè tại huyện Đồng Hỷ đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2024, sản lượng chè búp tươi đạt 45.500 tấn (tăng 3.935 tấn so với năm 2020); sản lượng chè sau chế biến đạt 9.100 tấn, mang lại giá trị lên tới 1.820 tỷ đồng.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, theo ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ: UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương khuyến khích các hộ, cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến chè, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Với định hướng phát triển bền vững, ngành chè của huyện Đồng Hỷ hứa hẹn sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.