Bố mẹ lưu ý: Nên và không nên khi chọn đồ chơi cho trẻ

Khác với suy nghĩ của cha mẹ, rằng việc chơi của con trẻ đơn thuần là… chơi đùa, nghịch ngợm các nhà giáo dục học khẳng định: chơi là cách tốt nhất để con trẻ học.

Các món đồ chơi không chỉ là món đồ giải trí mà chính là những học cụ hữu hiệu trong những năm đầu đời của trẻ. Lựa chọn đồ chơi và cách chơi phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển tự nhiên một cách tối ưu và ngược lại.

Top 3 tối kỵ

Lời khuyên đầu tiên được các chuyên gia đưa ra là: không nên mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ. Nhiều cha mẹ có thể giật mình với con số được công bố trên tờ The Telegraph của Anh: một đứa trẻ có trung bình 238 món đồ chơi nhưng chỉ có khoảng 5% số đồ chơi này được thường xuyên đụng đến. Một nghiên cứu của Đại học Toledo (Ohio, Hoa Kỳ) chỉ ra rằng số lượng đồ chơi tỉ lệ nghịch với chất lượng chơi của trẻ. Nghiên cứu này đã đưa ra quan sát: những đứa bé (từ 18 đền 36 tháng tuổi) có ít đồ chơi khám phá được nhiều cách chơi khác nhau trên cùng một món đồ và có thời gian chơi lâu hơn nhóm những đứa bé có nhiều món đồ chơi. "Ít đồ chơi hơn, trẻ tập trung hơn và sáng tạo tốt hơn" là kết luận của nghiên cứu này. Vì vậy, mặc dù đa số cha mẹ có tâm lý "bù đắp" cho con (do thiếu thời gian, hoặc do bản thân ngày xưa thiếu thốn) và thường xuyên mua sắm cho trẻ những món đồ chơi mới, tuy nhiên điều này hoàn toàn không có lợi cho trẻ, khiến trẻ dễ xao nhãng và bị hạn chế khả năng sáng tạo.

Cha mẹ nên lưu ý đảm bảo về chất lượng đồ chơi đặc biệt đối với trẻ nhỏ, tránh tuyệt đối vì ham rẻ mua được số lượng nhiều mà lựa chọn những món đồ nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, kém chất lượng, chưa được kiểm định an toàn. Những món đồ chơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dễ gây hóc, ngạt hay có chứa hóa chất độc hại. Vì vậy, bố mẹ hãy dành tiền mua ít đồ chơi nhưng chọn đồ chất lượng, uy tín cho con.

Cùng trẻ sáng tạo đồ chơi từ những vật liệu sẵn có tại gia là cách đảm bảo đồ chơi tiết kiệm, an toàn, lành mạnh và bổ ích

Cùng trẻ sáng tạo đồ chơi từ những vật liệu sẵn có tại gia là cách đảm bảo đồ chơi tiết kiệm, an toàn, lành mạnh và bổ ích

"Sinh Con, Sinh Cha" gợi ý ba món đồ chơi bố mẹ có thể làm cùng con. Tham khảo chi tiết cách thực hiện tại https://www.facebook.com/GeneraliVietnam/posts/1853797418095849..

"Sinh Con, Sinh Cha" gợi ý ba món đồ chơi bố mẹ có thể làm cùng con. Tham khảo chi tiết cách thực hiện tại https://www.facebook.com/GeneraliVietnam/posts/1853797418095849..

Lời khuyên thứ hai là không nên cho trẻ chơi nhiều các thiết bị điện tử, tương tác một chiều với chiếc màn hình và những nút bấm. Điều này có thể gây ra chậm nói và chậm phát triển ở trẻ nhỏ. Chương trình giáo dục cộng đồng "Sinh Con, Sinh Cha" cũng đưa ra khuyến nghị trẻ dưới 2 tuổi không nên xem TV và trên 2 tuổi hãy giới hạn thời gian ngồi trước màn hình chơi trò chơi, xem Youtube, chương trình TV của trẻ ở mức thấp nhất có thể (dưới 1 giờ/ ngày). Ngược lại, cha mẹ nên ưu tiên những món đồ chơi kích thích trẻ tương tác và tăng cường vận động, các đồ chơi kích thích sáng tạo khi có thể chơi theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như các trò chơi vận động ngoài trời, các khối gỗ, khối xếp hình, đất nặn hoặc những món đồ chơi do trẻ tự làm…

Cuồi cùng, điều quan trọng nhất khi trẻ chơi, chính là cha mẹ "Đừng bao giờ giúp trẻ những việc mà trẻ có thể tự làm" –Tiến sĩ, Bác sĩ, nhà Giáo dục học nổi tiếng người Ý Maria Montessori khuyến nghị. Cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào việc chơi của trẻ, như liên tục chỉ bảo con phải chơi như thế này, không được tháo ra như thế kia, mất kiên nhẫn khi trẻ chơi theo cách của trẻ chứ không theo cách người lớn. Điều này gây ra một hệ quả nghiêm trọng đối với khả năng sáng tạo cũng như phát triển tiềm năng của trẻ, áp đặt khuôn mẫu, và còn làm cho đứa trẻ ngày càng thiếu tự tin, không dám tự mình thử sức những điều mới khi liên tục bị chỉ trích, uốn nắn… Khi chơi với con, cha mẹ nên dừng lại ở vai trò là người quan sát, động viên, tương tác và hỗ trợ con khi cần, bởi cũng theo bà Montessori: "Chơi là công việc của trẻ", nên hãy để con có không gian và sự tôn trọng cần thiết để tập trung vào "chuyên môn".

Gợi ý cho cha mẹ

Theo tài liệu hướng dẫn của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), đồ chơi cho trẻ nên đủ 3 nhóm: đồ chơi vận động, đồ chơi tư duy và đồ chơi sáng tạo để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Dĩ nhiên vẫn tuân thủ tiêu chí: đồ chơi cho trẻ chỉ cần đủ chứ không cần nhiều.

Trong đó, các món đồ chơi vận động có thể là xe thăng bằng, xe đạp, bóng rổ, bóng đá… Vận động là cách thức để gia tăng kết nối các nơ-ron thần kinh. Ngoài ra, sau thời gian vận động, trẻ ăn uống hiệu quả và ngủ sâu giấc hơn – nền tảng để trẻ phát triển một cách tối ưu.

Với nhóm đồ chơi tư duy, cha mẹ nên chọn lọc các bộ ghép hình, các món đồ chơi tháo lắp… để trao cho trẻ cơ hội được tư duy trong yên lặng, nâng cao khả năng tập trung và tính kiên trì.

Đóng vai trò rất quan trọng là nhóm đồ chơi kích thích tính sáng tạo, bao gồm: bút màu, sách, các nhân vật búp bê, nhạc cụ… Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Trẻ nhỏ tại Đại học Havard (Hoa Kỳ), cấu trúc não bộ của trẻ nhỏ đã hình thành 80% khi trẻ 2 tuổi, hoàn thiện đến 90% khi trẻ 5 tuổi và sau 5 tuổi chỉ phát triển tối đa thêm 10%. Ở giai đoạn này, các nơ-ron thần kinh phát triển tập trung ở bán cầu não phải – nơi quyết định óc tưởng tượng và sáng tạo.

Làm diều là một hoạt động thú vị bao quát cả ba nhóm đồ chơi: vận động, tư duy và sáng tạo

Làm diều là một hoạt động thú vị bao quát cả ba nhóm đồ chơi: vận động, tư duy và sáng tạo

Chương trình "Sinh Con, Sinh Cha" có đưa ra một nhóm đồ chơi đặc biệt ý nghĩa và bổ ích, có thể bao gồm cả 3 nhóm trên, chính là những món đồ chơi cả nhà tự làm cùng nhau. Được cùng cha mẹ chế tác một món nhạc cụ kỳ diệu từ những bát nước, làm con diều sặc sỡ từ giấy báo cũ, hay lắp ráp những bộ giáp robot hoặc một chiếc xe hơi hầm hố từ các hộp bìa cứng… là những trải nghiệm tuyệt vời nhất với một đứa trẻ. Tự làm đồ chơi không những giúp trẻ rèn đôi tay khéo léo, tăng khả năng tập trung, phát huy óc sáng tạo mà còn tăng tính kết nối với cha mẹ.

"Làm đồ chơi cùng con" là chủ đề của tập 4 trong series "Sinh Con, Sinh Cha".

Để có thêm ý tưởng làm đồ chơi cho con và chơi cùng con, cha mẹ có thể nghiên cứu thêm phương pháp học và chơi theo chủ đề của Reggio Emilia - phương pháp giáo dục cho trẻ mầm non được Loris Malaguzzi, nhà tâm lý học người Ý phát triển và đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía Bắc nước Ý: nếu trẻ đang thể hiện sự thích thú với cầu vồng, cha mẹ có thể cùng con tạo ra cầu vồng từ một chiếc gương đặt trong ly nước, cho con vẽ hình cầu vồng, nghe các bài hát về cầu vồng, thực hiện "bộ sưu tập thời trang" cầu vồng từ những bộ quần áo cũ… Có thể đôi lúc cha mẹ sẽ thấy khá khó khăn khi phải "nặn óc" nghĩ ra các món đồ chơi mới để làm cùng con. Nhưng nếu lắng nghe nguyện vọng của con và thực hiện theo chủ đề, đây sẽ là những trải nghiệm dễ dàng và thú vị hơn nhiều.

"Sinh Con, Sinh Cha" https://www.generali-life.com.vn/sinhconsinhcha/ nằm trong khuôn khổ tài trợ của chương trình "The Human Safety Net" (THSN), một sáng kiến cộng đồng được Tập đoàn Generali phát triển trên phạm vi toàn cầu. Tại Việt Nam, chương trình được biên soạn và xây dựng bởi Generali Việt Nam & Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (BTTEVN) với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

PV

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bo-me-luu-y-nen-va-khong-nen-khi-chon-do-choi-cho-tre-20200805115615747.htm