Bố mẹ thắc mắc tiêm vắc xin COVID-19 ảnh hưởng sinh sản đến trẻ: Chuyên gia Bộ Y tế giải đáp
Theo các chuyên gia, thì vắc xin mRNA không tác động đến nhân tế bào, không ảnh hưởng đến di truyền vì thế về mặt khoa học sẽ không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở trẻ.
Sáng nay, 13/4, Bộ Y tế tiến hành trả lời báo chí về các thắc mắc liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Tại đây, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin hiện nay Việt Nam đã nhận được lô vắc xin dành cho trẻ em từ 5 đến – 11 tuổi của Úc hỗ trợ đã về Việt Nam. Theo dự kiến tuần tới sẽ triển khai trong toàn quốc. Vắc xin sẽ tiêm cho trẻ lớp 6 rồi đến các nhóm ít tuổi hơn.
Tiêm vắc xin cho trẻ được xem là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Vị này cũng cho biết, vắc xin để tiêm cho trẻ là các vắc xin moderna, pfizer. Các phản ứng sau tiêm tương tự như trẻ từ 12 đến 17 tuổi. “Các phụ huynh sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng tại các địa điểm tiêm khi đưa trẻ đi tiêm” – tiến sĩ Dương Thị Hồng chia sẻ. Cũng theo chuyên gia này, mặc dù mức độ phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là rất hiếm gặp nhưng khi triển khai thì luôn luôn có tinh thần tranh nhiệm, cảnh giác cao độ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên theo dõi trẻ trước và sau tiêm, hãy đưa trẻ đi tiêm khi trẻ ở thể trạng sức khỏe tốt nhất. Ngoài ra, những trẻ đã nhiễm COVID-19 thì sau 3 tháng mới tổ chức tiêm. “Vì thời điểm sau 3 tháng, đề kháng của trẻ mắc COVID-19 bắt đầu giảm, đây là thời điểm thích hợp để trẻ tiêm vắc xin COVID-19” – tiến sĩ Dương Thị Hồng khuyến cáo.
Theo bà Dương Thị Hồng, trẻ em được tiêm 2 liều, khoảng cách tiêm giữa hai liều là 4 tuần. Mỗi em chỉ được tiêm một loại vắc xin, không được pha trộn giữa các loại.
Cũng tại buổi họp báo, ông Dương Trọng Lân cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện ước tính có khoảng hơn 11 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi trong khi theo số liệu có đến hơn 8 triệu em chưa mắc COVID-19. Do đó, trong quý II sẽ cố gắng tiêm vắc xin cho trẻ chưa mắc COVID-19.
Ông Lê Đức Ngãi, Trưởng khoa bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện đã có hướng dẫn từ hệ thống văn bản của Bộ Y tế để đảm bảo tiêm vắc xin cho trẻ an toàn nhất. Đối với những trẻ sau tiêm vắc xin COVID-19 đã có các mốc thời gian để theo dõi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ
“Khuyến cáo trong ba ngày đầu sau tiêm vắc xin phải tránh vận động mạnh như chạy thể dục. Nhà trường phối hợp theo dõi trẻ sau khi tiêm vắc xin” – ông Lê Đức Ngãi nói.
Các chuyên gia đều cho biết, hiện nay đã có 53 nước đã tiêm và có kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ. Các vắc xin được xem là “vũ khí” chiến lược. Trước thắc mắc về việc tiêm vắc xin có ảnh hưởng đối với trẻ dậy thì, các chuyên gia cũng cho rằng, vắc xin mRNA không vào nhân tế bào nên về khoa học thì yên tâm. Về cơ chế, không ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền.
Vắc xin được sản xuất nghiêm ngặt, được tiêm từ cao tuổi xuống thấp tuổi và được theo dõi một cách có hệ thống trên toàn cầu. Cho đến hiện nay nó được khẳng định là an toàn vì vậy bố mẹ yên tâm cho trẻ đi tiêm chủng.