Bố mẹ thu tiền con cái khi sống chung
Chi phí đắt đỏ, nhiều phụ huynh Australia quyết định thu tiền sinh hoạt của con để san sẻ chi tiêu gia đình. Đây cũng là phương pháp giáo dục tài chính được nhiều bố mẹ áp dụng.
Có hơn 912.000 thanh thiếu niên trên 15 tuổi trong khoảng 660.000 hộ ở bang New South Wales sống chung với gia đình, The Sydney Morning Herald cho biết.
Theo đó, gần 60% là nam thanh niên trên 20 tuổi. Ngoài ra, thế hệ trẻ có nhiều khả năng không ra ở riêng nếu bố mẹ từng ly hôn.
Bên cạnh ý kiến thiếu niên cần được người thân hỗ trợ đến khi có thể tự lập, nhiều người cho rằng việc lấy tiền của con cái là phương pháp giáo dục tài chính hiệu quả, đặc biệt với gia đình khá giả.
“Số tiền đó bố mẹ chỉ giữ hộ và sau này sẽ trả lại khi con cần”, TS Edgar Liu, nghiên cứu viên cấp cao tại Đại học New South Wales, nói.
Ngoài ra, một vài phụ huynh cũng cho biết chính họ đang rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn. Do vậy, xu hướng sống chung với gia đình khiến ngày càng nhiều bố mẹ cân nhắc liệu có nên thu phí sinh hoạt của con cái, nếu có thì thu bao nhiêu.
Nâng cao kỹ năng tài chính
Sống chung với bố mẹ, Rose Beaugeard (22 tuổi, vùng ngoại ô Dee Why, thành phố Sydney) cảm thấy thoải mái khi trích 15% lương từ công việc bán thời gian để đóng sinh hoạt phí. Ngoài ra, nữ sinh viên cũng tự trang trải tiền xăng xe, điện thoại, quần áo,...
Beaugeard trả tiền cho bố mẹ từ lần đầu đi làm thêm thời cấp 3. Năm lớp 12, cô nghỉ việc, tập trung học hơn, gia đình cũng không yêu cầu cô phải đóng góp nữa.
“Chuyện này hoàn toàn bình thường, hơn nữa việc người trưởng thành san sẻ vấn đề tài chính cùng gia đình là cần thiết”, Beaugeard bày tỏ.
So với đóng một khoản tiền sinh hoạt cụ thể hàng tháng, cô gái người Australia đánh giá việc tính phí theo tỷ lệ phần trăm tiền lương cao hơn.
Tương tự, hai em gái của Beaugeard cũng có trách nhiệm gửi tiền cho bố mẹ như chị, chỉ có em trai 16 tuổi không cần vì chưa đi làm.
“Điều kiện kinh tế của chúng tôi vẫn ổn, nhưng không nên ‘nuông chiều’ con. Khi còn nhỏ, tôi được bố mẹ lo toan, không phải suy nghĩ gì nên sau khi ra ở riêng, tôi gặp nhiều khó khăn. Vì không muốn các con sau này cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, chúng tôi cố gắng dạy những điều thực tế trong cuộc sống, giúp chúng tự lập hơn”, bố của Beaugeard chia sẻ.
Yêu cầu con cái đóng góp tiền sinh hoạt là phương pháp hiệu quả giúp thế hệ trẻ nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống độc lập, theo Melissa Browne, cựu cố vấn tài chính, người sáng lập trung tâm My Financial Adulting Plant.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ thu phí quá cao hay cách nói chuyện, diễn đạt với các con chưa thật sự khéo léo, mâu thuẫn rất dễ xảy ra. Những người trẻ có thể tự coi mình như khách hàng đang mua dịch vụ bên ngoài: khách sạn là nhà ở và nhân viên là phụ huynh.
Theo đó, các bậc cha mẹ cần xem xét tình hình tài chính của mình cũng như công việc, khả năng đóng góp và nhu cầu tiêu dùng của con cái, ví dụ như khi chúng sử dụng bình nóng lạnh liên tục, thường xuyên tiếp đãi bạn bè,...
Nếu gia đình đang vật lộn với chi phí ăn uống, bố mẹ có thể yêu cầu con trả một phần hóa đơn mua sắm thực phẩm hàng tuần. Trong trường hợp thu nhập của các thanh thiếu niên đến từ những công việc thời vụ, phụ huynh nên thu tiền theo tỷ lệ phần trăm lương.
Ngoài ra, Browne cũng nhấn mạnh người lớn nên công khai mọi chi tiêu trong nhà minh bạch để thế hệ trẻ nhận thức được các khoản chi.
Ví dụ, chi phí sinh hoạt của gia đình là 250 USD/tuần, bố mẹ có thể yêu cầu con đóng góp 100 USD/tuần và phụ giúp các công việc khác như nấu ăn, giặt giũ,...
Nghĩa vụ đóng góp
Lý do chính thanh niên chọn sống chung với gia đình là vấn đề tài chính, theo TS Edgar Liu. Khảo sát hồi tháng 1 của Finder cũng cho thấy chi phí sinh hoạt trung bình của người trẻ khi ở riêng là 480 USD/tuần, trong đó 289 USD là tiền thuê nhà ở ghép.
Bên cạnh việc thế hệ trẻ không đủ khả năng chuyển ra ngoài tự lập vì thị trường nhà ở quá đắt đỏ, nhiều phụ huynh cũng cần sự đóng góp tiền bạc khi phải đối mặt với sự gia tăng của hóa đơn điện, thực phẩm hay lãi ngân hàng.
Emile Kwasner-Catsi (18 tuổi) đóng 50 USD/tuần để sống chung với bố mẹ trong ngôi nhà đi thuê ở vùng ngoại ô Petersham, thành phố Sydney. Sau khi rời trường trung học vào năm 2022, chàng trai làm 3 công việc: nhân viên phục vụ, gia sư và công nhân.
“Rõ ràng tôi không muốn phải bỏ tiền túi ra khi ở cùng bố mẹ. Tuy nhiên, tiền ăn của tôi rất nhiều, tôi cũng uống cà phê và sử dụng các tiện ích khác nữa, nên việc đưa tiền cho họ là điều dễ hiểu”, anh chia sẻ.
Kwasner-Catsi cho biết cũng nhờ đó mà anh biết cách quản lý tiền tốt hơn, cuộc sống không quá chật vật như bạn bè - những người hầu như vẫn sống chung với bố mẹ nhưng không đóng góp tài chính.
Theo News.com.au, lạm phát tại Australia đang ở mức 7%. Trong vòng một năm tới đầu tháng 5, tỷ lệ lãi suất của ngân hàng trung ương Australia tăng lần thứ 11, từ 0,25% lên 3,85%.
Ngoài ra, Abc.net.au cũng cho biết vào tháng 4, giá thuê nhà tại quốc gia này đang tăng ở mức kỷ lục, lên tới 699 USD/tuần. Theo đó, giá thuê nhà tăng 135 USD/tuần và giá thuê chung cư tăng 140 USD kể từ mức thấp nhất trong mùa dịch.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bo-me-thu-tien-con-cai-khi-song-chung-post1436463.html