Bố, mẹ, vợ và con của thanh niên nhập ngũ được hưởng những chính sách gì?

Bạn đọc Hà Thị Vân Kiều, ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc, thì bố, mẹ, vợ và con của họ sẽ được hưởng những chế độ, chính sách gì?

Trả lời:

Khoản 2, Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định một số chế độ chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ như sau:

a) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;

c) Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ, thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Thanh niên TP Vinh (Nghệ An) thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023. Ảnh: qdnd.vn

Thanh niên TP Vinh (Nghệ An) thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2023. Ảnh: qdnd.vn

Ngoài các chính sách trên, Điều 6, Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ như sau:

1. Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định này (bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ) được trợ cấp khó khăn đột xuất trong các trường hợp sau đây:

a) Khi nhà ở của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở hoặc tài sản bị hư hỏng, thiệt hại nặng về kinh tế, thì được trợ cấp mức 3.000.000 đồng/suất/lần;

b) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên, thì được trợ cấp mức 500.000 đồng/thân nhân/lần;

c) Chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại Điểm a khoản này được thực hiện không quá 2 lần/năm đối với một hạ sĩ quan, binh sĩ; chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất quy định tại Điểm b khoản này được thực hiện không quá 2 lần/năm đối với mỗi thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ;

d) Thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần hoặc mất tích, thì được trợ cấp mức 2.000.000 đồng/người.

Chính sách miễn, giảm học phí theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 27/2016/NĐ-CP có một số thay đổi do Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định số 81/2021/NĐ-CP từ ngày 15-10-2021.

Tuy nhiên, con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ vẫn được miễn học phí theo quy định tại Khoản 7, Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn học phí.

Để được hưởng chính sách miễn học phí, chiến sĩ làm bản kê khai đề nghị hưởng chế độ miễn học phí theo mẫu dưới đây và nộp cho chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn hoặc tương đương.

 Mẫu kê khai đề nghị hưởng chế độ miễn học phí đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Mẫu kê khai đề nghị hưởng chế độ miễn học phí đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/bo-me-vo-va-con-cua-thanh-nien-nhap-ngu-duoc-huong-nhung-chinh-sach-gi-814750