Bỏ mía trồng cây gì?
Trong những năm qua, nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn bởi giá mía xuống thấp kèm theo đó khâu tiêu thụ khó, phần lớn người trồng mía không có lãi. Trước thực tế trên, từ nhiều chương trình, dự án, huyện Cù Lao Dung đã vận động hộ dân chuyển đổi mía sang trồng các loại cây trồng khác đem về giá trị kinh tế cao.
Một trong những hộ nông dân chuyển đổi cây mía sang trồng nhãn cho thu nhập tốt là chị Lê Thị Hằng, ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam. Phấn khởi vì qua vài vụ nhãn đều cho lợi nhuận cao, chị Hằng bộc bạch: “Ở đây mấy mươi năm, nông dân chúng tôi quen với việc canh tác mía, bởi cây mía cũng dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Thêm nữa, đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu bằng các phương tiện đường thủy. Thế là cứ suy nghĩ trong đầu nếu trồng cây ăn trái không biết tiêu thụ như thế nào. Cứ với suy nghĩ đó nên nhiều người ngán ngại chuyển đổi cây trồng. Một thời gian sau khi đường giao thông được đầu tư rộng khắp, đi lại thuận tiện cùng với sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, nông dân chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây mía sang trồng nhiều loại cây trồng và có người chuyển mía sang đào ao nuôi thủy sản. Riêng bản thân tôi, phá bỏ diện tích mía 4,5ha để xuống giống nhãn Ido với diện tích hiện có 3,5ha đang thu hoạch trái. Tính đến nay đã qua 3 mùa thu hoạch trái, giá nhãn rất tốt, từ 23.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, đảm bảo cho người trồng có lãi hàng trăm triệu đồng/năm, cao gấp vài chục lần so với trồng mía…”.
Lựa chọn cây đậu nành rau “thế chân” cây mía kém hiệu quả trên mảnh đất nông nghiệp của gia đình, ông Nguyễn Trung Thành, ấp An Nghiệp A, xã An Thạnh 3 bộc bạch: “Tôi có 10 công đất trồng mía vài chục năm qua, thật lòng mà nói có thời điểm cây mía cho thu nhập tốt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây giá mía xuống quá thấp, người trồng mía không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Trồng mía đã không hiệu quả, nhiều hộ cũng chuyển sang trồng cây ăn trái. Riêng bản thân tôi, lựa chọn trồng cây đậu nành rau, bởi cây đậu nành được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, thời gian canh tác cây đậu ngắn, tầm 70 ngày đã thu hoạch nên 1 năm trồng được vài vụ, đem về nguồn thu đáng kể. Tận dụng lấy ngắn nuôi dài, tôi vừa trồng đậu nành rau vừa trồng luôn cây nhãn Ido trên cùng diện tích đất, xung quanh bờ bao của khu vực trồng đậu, nhãn, tôi xuống giống cây dừa xiêm, tầm 3 năm nữa nhãn, dừa sẽ cho trái rộ, khi đó thu nhập sẽ lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, với 10 công đậu nành rau, mỗi đợt thu hoạch lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha. Như vậy, 1 năm canh tác 4 vụ đậu nành rau, số tiền thu về hơn 100 triệu đồng. Vấn đề tôi tâm đắc nhất là khi tham gia hợp tác xã (HTX) trồng đậu nành rau có doanh nghiệp bao tiêu, không còn nỗi lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ, sản lượng bao nhiêu doanh nghiệp đều thu mua hết. Vì vậy, nông dân ở đây trồng đậu nành rau rất phấn khởi, trồng đậu nành rau đạt sản lượng càng cao lợi nhuận thu về càng lớn”.
Giám đốc HTX Rau củ quả Lộc Phát Phạm Hồng Văn, xã An Thạnh 3 chia sẻ: “HTX có diện tích đất gần 22ha. Diện tích này trước đây thành viên đều canh tác mía nhưng vài năm trở lại đây đã chuyển sang trồng màu gần 100%, kết hợp xen canh cây nhãn Ido với đủ các loại rau màu, như: đậu bắp Nhật, khoai môn, đu đủ, bắp trái và diện tích chiếm phần lớn là cây đậu nành rau. Để tiêu thụ tốt sản phẩm của thành viên sau thu hoạch, trước khi xuống giống các loại màu, HTX đều có ký kết cùng doanh nghiệp thu mua sản phẩm và HTX nhận liên kết trồng các loại màu theo yêu cầu của doanh nghiệp, nên tất cả các sản phẩm do thành viên HTX sản xuất luôn đảm bảo đầu ra cũng như lợi nhuận thu về rất tốt sau vụ mùa. Hướng tới, HTX tiếp tục duy trì mở rộng diện tích trồng cây nhãn Ido và sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng mã code vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu…”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết cho biết: “Các mô hình chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây ăn trái, cây màu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung khá tốt, đặc biệt cây đậu nành rau cho thu nhập rất tốt tại các hộ canh tác. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cần thiết để huyện sản xuất đậu nành rau phục vụ thị trường”. Để phát huy tiềm năng của các loại cây trồng trên, đồng chí Lương Minh Quyết cho rằng huyện cần phải hướng đến tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Đối với dự án cây ăn trái tỉnh đang triển khai tại huyện, ngành sẽ xây dựng các mô hình vườn kiểu mẫu, tạo chuỗi sản xuất đầu vào đến đầu ra, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu và cấp luôn mã code, khi doanh nghiệp có nhu cầu mua sản phẩm xuất khẩu đã có sẵn như vậy mới đảm bảo tính bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ…”.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/bo-mia-trong-cay-gi-28637.html