Bộ nên giao Cục CNTT, Vụ TĐKT dẹp nạn mua bán, 'đạo' sáng kiến kinh nghiệm
Quy định mọi sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên phải được tải công khai lên mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao giá trị của sáng kiến.
Câu chuyện đạo văn, mua bán sáng kiến kinh nghiệm giáo dục đã được dư luận đề cập nhiều trong thời gian qua; không ít người gọi sáng kiến kinh nghiệm là “sáng kiến kinh ngạc”, khi giáo viên năm nào cũng phải… có sáng kiến!
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh “vấn nạn nhức nhối” sáng kiến kinh nghiệm “Vẫn trói thi đua bằng sáng kiến kinh nghiệm, khó có dạy thật học thật”; “Không sáng kiến kinh nghiệm thầy cô đừng mơ chiến sĩ thi đua, trên mạng có bán”; “Thị trường mua, bán sáng kiến kinh nghiệm lại… vào mùa dối trá”…
Nỗi buồn của giáo viên chân chính có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải
Sáng kiến kinh nghiệm là tiêu chí cần có khi xét thi đua cho Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh… Chiến sĩ thi đua cấp nào, thì cần có sáng kiến kinh nghiệm đạt cấp đó.
Điều đáng buồn, chỉ có ngành giáo dục có “thị trường” mua bán sáng kiến kinh nghiệm công khai trên mạng xã hội.
Có những giáo viên qua thực tế công tác, đúc rút kinh nghiệm, có những sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học; bên cạnh đó vẫn tồn tại “thị trường mua bán” sáng kiến kinh nghiệm. Vì thế, sáng kiến kinh nghiệm trở nên “thật giả khó phân”.
Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Mình đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, nhưng không cảm thấy vinh dự, tự hào, khi giáo viên vẫn nghĩ sáng kiến có thể nhờ mua bán mà có; dù sáng kiến của mình không phục vụ việc xét thi đua khen thưởng, tự mình đúc rút.
Sau khi chấm xong, sáng kiến của mình cũng bị “bỏ xó”, chẳng ai biết, chẳng ai áp dụng ở địa phương khác, dù được công nhận giải pháp ảnh hưởng… cấp tỉnh; nó chỉ tồn tại trên… giấy chứng nhận”.
Nỗi buồn của thầy giáo H. chắc chắn là nỗi buồn của những giáo viên chân chính, đã bỏ công sức, trí tuệ bản thân, có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải, nhưng bị cho vào… sọt rác.
Ai mua sáng kiến kinh nghiệm?
Tất nhiên, người không có sáng kiến kinh nghiệm, nhưng muốn đạt tiêu chí xét thi đua, mới mua sáng kiến kinh nghiệm để đi thi; đạt giải cấp huyện sẽ có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; đạt giải cấp tỉnh, sẽ có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh…
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua sẽ là “nấc thang” để được đề nghị vào danh sách nâng lương trước thời hạn; cán bộ nguồn hiệu phó, hiệu trưởng…
Vô hình trung, sáng kiến kinh nghiệm trở thành “nấc thang gian dối” của các cán bộ quản lý giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục đi lên, “trưởng thành” bằng “nấc thang gian dối” mang tên sáng kiến kinh nghiệm, liệu có thể là tấm gương sáng cho học sinh noi theo?
Cán bộ quản lý giáo dục đi lên, “trưởng thành” bằng “nấc thang gian dối” mang tên sáng kiến kinh nghiệm, liệu có thể “gieo thật thà vào lòng dối trá”? Hay lại gieo dối trá vào giáo dục?
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải “ra tay” dẹp nạn đạo văn, mua bán sáng kiến kinh nghiệm
Chống nạn đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm; chống nạn mua bán sáng kiến kinh nghiệm cũng là một giải pháp để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Ai chống được nạn đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm? Chống được nạn mua bán sáng kiến kinh nghiệm? Trách nhiệm này, đầu tiên thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể không biết nạn đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm; nạn mua bán sáng kiến kinh nghiệm, đang diễn ra nhức nhối trong ngành giáo dục, đã được dư luận đã phản ánh trong thời gian qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có hẳn một Vụ Thi đua khen thưởng, một Cục Công nghệ thông tin, theo suy nghĩ của người viết thì hai cơ quan tham mưu này hoàn toàn có thể đề xuất giải pháp chống nạn đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm; chống nạn mua bán sáng kiến kinh nghiệm để Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao Vụ Thi đua khen thưởng chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin của Bộ, xây dựng dự thảo thông tư quy định, mọi sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên phải được tải công khai lên mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thống nhất trên cả nước.
Đồng thời phải quy định chi tiết, bắt buộc, sử dụng phần mềm chống đạo văn, khi tổ chức thi, chấm sáng kiến kinh nghiệm các cấp; cấp nào để xảy ra nạn đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm, cấp đó phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, có hình thức xử lý vi phạm cụ thể, kỉ luật thích đáng các cá nhân, tập thể, khi phát hiện đạo văn trong sáng kiến kinh nghiệm tham gia các cuộc thi, chấm sáng kiến kinh nghiệm phục vụ thi đua khen thưởng.
Quy định mọi sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên phải được tải công khai lên mạng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao giá trị của sáng kiến; sáng kiến được áp dụng vào các cơ sở giáo dục, thẩm định bằng thức tiễn; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Khi sáng kiến kinh nghiệm được tải công khai trên mạng của Bộ, sáng kiến kinh nghiệm sẽ trở thành tài nguyên cho giáo viên, cơ sở để thực hiện phần mềm chống đạo văn, Bộ nên thực hiện càng sớm càng tốt.
Người viết mong Bộ trưởng sớm có chỉ đạo 2 cục, vụ vào cuộc xây dựng hành lang pháp lý, trả lại sự trong sáng, lành mạnh trong thi đua của ngành giáo dục; đừng để nạn đạo văn, mua bán sáng kiến kinh nghiệm làm thui chột nhiệt huyết của những nhà giáo chân chính.