Bộ Ngoại giao Mỹ tố Trung Quốc 'bội hứa' về Biển Đông
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/9 cho biết, Trung Quốc hồi năm 2015 từng hứa không có ý định quân sự hóa quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, thay vào đó, Bắc Kinh đã tiến hành quân sự hóa các tiền đồn trong khu vực tranh chấp một cách khiêu khích và liều lĩnh. Trung Quốc cho triển khai các tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng radar quân sự và tăng cường tính năng của tín hiệu tình báo, xây dựng hàng chục nhà chứa máy bay, cũng như đường băng với khả năng tiếp nhận các máy bay chiến đấu.
Trung Quốc cũng sử dụng các tiền đồn được quân sự hóa để làm nền tảng cho cái gọi là "quyền kiểm soát" đối với vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.
Cụ thể, những tiền đồn trên đóng vai trò là nơi tập trung của hàng trăm tàu dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc. Lực lượng này có vai trò quấy rối các tàu dân sự và cản trở hoạt động thực thi pháp luật, đánh bắt xa bờ hay phát triển dầu mỏ của các quốc gia láng giềng.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus, Bắc Kinh đã không tôn trọng những lời nói và cam kết của họ. Thời gian gần đây, Mỹ “đã chứng kiến số lượng chưa từng có những quốc gia đưa ra phản đối chính thức về các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc”.
Do vậy, Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối về "hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận" này. Washington sẽ tiếp tục sát cánh với các đối tác khu vực Đông Nam Á chống lại những ‘nỗ lực bắt nạt’ của Trung Quốc nhằm chiếm được ưu thế ở Biển Đông.
Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với Biển Đông thời gian gần đây đã nóng dần lên, khi ba nước Đức, Anh và Pháp đệ trình công hàm chung lên Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 16/9, trong đó viết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và những quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Ngoài ra, các nước này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do trên biển, nhất là về tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền đi lại trên biển theo quy định trong UNCLOS, bao gồm ở Biển Đông.