Bộ Ngoại giao nói về thông tin bồi thường cho gia đình 39 người Việt tử nạn ở Anh
Bộ Ngoại giao cho biết việc thực thi phán quyết chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt phải bồi thường có thể phức tạp, đòi hỏi thời gian xử lý dài theo trình tự pháp luật Anh.
Vừa qua, truyền thông Anh đưa tin tòa án đã ra lệnh tịch thu 180.000 bảng Anh (hơn 217.000 USD) từ chủ công ty vận tải liên quan đến cái chết của 39 người Việt để bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Thông tin này làm dấy lên hy vọng cho một số gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn sau thảm kịch.
Chiều 12/1, trong họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã có những phản hồi về vấn đề trên.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, ngày 6/1, Tòa hình sự tối cao của Anh đã ra phán quyết về việc Ronan Hughes đứng đầu đường dây vận chuyển người bất hợp pháp đang thụ án tù 20 năm sẽ bị tịch thu tài sản trị giá lên đến 180.000 bảng Anh bồi thường cho gia đình các nạn nhân bị tử vong trong vụ việc xảy ra năm 2019.
"Chúng tôi được biết phán quyết này chỉ là quyết định pháp lý ban đầu", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin.
Việc thực thi phán quyết có thể có nhiều phức tạp, đòi hỏi thời gian xử lý tương đối dài theo trình tự của pháp luật Anh. Và trong trường hợp Ronan Hughes không thực hiện phán quyết về việc bồi thường cho các nạn nhân thì hình phạt sẽ tăng thêm 2 năm tù giam.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng của Anh để theo dõi sát vụ việc, cập nhật thông tin, sẵn sàng triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Thi thể 39 người Việt được phát hiện trong xe container tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex vào sáng 23/10/2019. Kết quả điều tra cho thấy họ được đưa lên xe ở phía bắc Pháp và nộp cho những kẻ buôn người 20.000 euro (hơn 23.000 USD) để vượt biên từ Pháp sang Anh. Các nạn nhân sau đó tử vong vì thiếu oxy và quá nóng trong không gian kín.
Hồi tháng 5/2020, hơn 20 nghi phạm khác liên quan đến thảm kịch này đã bị bắt ở Pháp, Bỉ và Đức.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, tháng 9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 7 người với mức án từ 1 năm tù treo đến 7 năm 6 tháng tù giam vì đưa lao động ra nước ngoài trái phép.