Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo tập huấn về quản lý và phân tích dữ liệu
Hội thảo tập huấn về quản lý và phân tích dữ liệu sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự phối hợp của cơ quan, địa phương trong thu thập, thống kê số liệu di cư quốc tế...
Ngày 22/8, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Cơ quan Liên hợp quốc về di cư tổ chức Hội thảo tập huấn về quản lý và phân tích dữ liệu.
Tham dự Hội thảo tập huấn có khoảng 40 đại biểu đến từ các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện các sở, ngành của 10 địa phương miền Bắc, Phái đoàn IOM tại Việt Nam; đại diện của Trung tâm Phân tích dữ liệu cấp vùng, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IOM tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu di cư quốc tế đối với xây dựng chính sách di cư phù hợp với tình hình thực tiễn. Tại Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự ban hành kèm theo Quyết định 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc thu thập thông tin, dữ liệu về di cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư.
Do vậy, Hội thảo tập huấn sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự phối hợp của cơ quan, địa phương trong thu thập, thống kê số liệu di cư quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý tập trung, thống nhất về di cư quốc tế, tạo thuận lợi cho xây dựng chính sách di cư dựa trên bằng chứng, góp phần quản lý di cư hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư.
Ông Nguyễn Quốc Nam, Trưởng bộ phận Quan hệ và đối tác, Phái đoàn IOM tại Việt Nam cho rằng việc nắm bắt số liệu di cư quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh di cư hiện nay nhằm kịp thời bảo vệ quyền của người di cư; đánh giá cao Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại khu vực châu Á ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM với nhiều nhiệm vụ cụ thể, bao gồm nhiệm vụ về thu thập, thống kê dữ liệu di cư quốc tế.
Đại diện IOM Việt Nam hi vọng Hội thảo tập huấn là diễn đàn để các cơ quan liên quan chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm trong thu thập, quản lý dữ liệu, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.
Tại Hội thảo, chuyên gia của Trung tâm Phân tích dữ liệu cấp vùng - Văn phòng IOM khu vực châu Á-Thái Bình Dương giới thiệu về tầm quan trọng của dữ liệu di cư đối với hoạch định chính sách, các nguồn dữ liệu di cư hiện nay, thách thức trong việc thu thập dữ liệu di cư và cách thức tận dụng dữ liệu di cư cho hoạch định chính sách.
Đại diện của Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ những nội dung cơ bản về quản lý dữ liệu và Khung quản giám dữ liệu (UNECE).
Trình bày của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tập trung vào thực tiễn thu thập, thống kê, quản lý dữ liệu di cư quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo tập huấn cũng được nghe đại diện của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an giới thiệu tổng quan về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; những vấn đề gợi mở đối với việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di cư.
Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp tổng quan về phân tích dữ liệu trong quản lý dữ liệu di cư quốc tế, các kỹ thuật phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu di cư quốc tế.
Với 5 phiên trao đổi cùng với phần thực hành phân tích dữ liệu mẫu, Hội thảo tập huấn đã cung cấp những thông tin cần thiết về công tác thu thập, phân tích dữ liệu, góp phần nâng cao năng lực quản lý và sử dụng dữ liệu phục vụ xây dựng chính sách về di cư quốc tế, qua đó thúc đẩy hơn nữa việc triển khai Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM tại các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương.
Trong khuôn khổ Hội thảo Tập huấn, ngày 23/8, đoàn công tác của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc để khảo sát về việc thu thập, thống kê, quản lý dữ liệu di cư quốc tế tại địa phương, tìm hiểu nhu cầu của địa phương và trao đổi một số định hướng nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu di cư quốc tế.