Bộ Ngoại giao Việt Nam quan ngại căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông

Bộ Ngoại giao nêu quan điểm về hai vụ việc va chạm, căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines ở hai vị trí khác nhau trên Biển Đông, trong đó nhấn mạnh về chủ quyền và luật pháp quốc tế.

Cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay, 28-3, được tổ chức ở cấp độ do Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng chủ trì. Trong các nội dung trao đổi, ông Thắng đề cập tới hai vụ việc va chạm, căng thẳng gần đây trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

 Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng - Ảnh: Ngọc Diệp

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng - Ảnh: Ngọc Diệp

Loạt va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở bãi Cỏ Mây

Căng thẳng nhất là một loạt va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines ở điểm nóng bãi Cỏ Mây.

Hôm 5-3, tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên Philippines và phun vòi rồng vào một tàu tiếp tế khác của Philippines đang nỗ lực tiếp cận quân nhân nước này trên xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn nhiều năm qua, phía Đông Nam quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Tiếp đó, ngày 23-3, tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế Philippines hoạt động ở khu vực này.

Về sự việc này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi đã phát biểu về vấn đề này. Chúng tôi rất quan ngại về những căng thẳng gần đây ở Biển Đông”.

Ông Thành cho biết Việt Nam kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

“Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” - Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lưu ý.

Hoạt động của Trung Quốc và Philippines ở khu vực Sandy Cay

Một vụ việc khác mà báo chí Philippines nhắc tới là tuần trước, một nhóm "các nhà khoa học Philippines" đã đến khu vực đá Sandy Cay để nghiên cứu. Tuy nhiên, một trực thăng của Trung Quốc đã xuất hiện sau đó ngay trên đầu nhóm người Philippines khiến một số người bị thương. "Trước sự quấy rối của Trung Quốc, để bảo đảm an toàn, nhóm đã rời khỏi khu vực", theo tờ Philstar của Philippines.

Sandycay là một cồn cát nhỏ ở giữa rạn san hô nửa nổi nửa chìm, có tên gọi là Đá Hoài Ân, thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa, ở giữa có một cồn cát nhỏ. Về mặt địa lý, rạn san hô này nằm phía Tây bãi Cỏ Mây, gần với trung tâm Trường Sa hơn.

Nêu quan điểm về hoạt động của Trung Quốc và Philippines ở khu vực này, Phó phát ngôn viên Nguyễn Đức Thắng nói:

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc các bên liên quan cho người lên thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam mà không được sự cho phép của Việt Nam là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ quy tắc (COC) ở Biển Đông hiện nay”.

Với quan điểm như vậy, ông Thắng cho hay Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện DOC cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng của các bên liên quan giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa bằng các biện pháp hòa bình.

Trên Biển Đông, tùy khu vực mà đang có những tranh chấp, yêu sách chủ quyền liên quan 5 nước, 6 bên, gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaixia, Brunei và Đài Loan.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-quan-ngai-cang-thang-giua-trung-quoc-va-philippines-tren-bien-dong-post782668.html