Bỏ những khoản thu mang tính chất vận động tại khu dân cư?
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đề nghị xem xét bỏ những khoản thu mang tính chất vận động tại khu dân cư vì những khoản thu này không đáng kể, người đi thu cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Tài chính xem xét bỏ những khoản thu mang tính chất vận động tại khu dân cư như: Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi... Theo phản ánh của cử tri, so với sự phát triển kinh tế hiện nay thì khoản thu này không đáng kể, không công bằng, người đi thu cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Trả lời vấn đề này của cử tri, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, được thành lập trên cơ sở tại Điều 10 Luật phòng, chống thiên tai; Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Theo quy định, nguồn thu của quỹ là khoản đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (Khoản 2 Điều 10 Luật phòng, chống thiên tai); mức đóng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP. Mục đích thành lập quỹ để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và hiện nay, quỹ được thành lập ở nhiều địa phương. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 10 của Luật phòng, chống thiên tai; do đó, việc bãi bỏ khoản thu này trên phạm vi cả nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ngày 22/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; trong đó yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối.
Triển khai Nghị quyết trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đối với Quỹ phòng, chống thiên tai của TP. Đà Nẵng (do Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng quản lý), trên cơ sở kết quả rà soát và thực tế hoạt động của quỹ; các cơ quan có thẩm quyền của Thành phố xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Đối với các Quỹ vì người nghèo, Quỹ chăm sóc người cao tuổi ở địa phương là các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo hoạt động theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Về nguyên tắc các khoản đóng góp cho các quỹ này trên tinh thần tự nguyện, không mang tính bắt buộc; tùy theo quy mô, phạm vi hoạt động của quỹ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Theo Điều 18 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:
Một là, cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị đình chỉ có thời hạn; mở rộng phạm vi hoạt động và kiện toàn, chuyển đổi quỹ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
Hai là, quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.
Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị TP. Đà Nẵng dựa trên quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP để thực hiện.