Hồ chứa thủy lợi hoạt động cả trăm năm chưa được 'nghỉ'

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có những hồ chứa thủy lợi đã hoạt động cả chục năm, thậm chí cả trăm năm chưa được nghỉ, có những hồ chứa đã bị xuống cấp mà chưa được nâng cấp, sửa chữa. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thủy lợi.

Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị Quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, do Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Trường Đại học Thủy lợi tổ chức, ở Hà Nội.

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi - cho biết, hiện cả nước đã xây dựng được 6.723 hồ chứa thủy lợi, tổng dung tích trữ nước khoảng 15,2 tỷ m3, trong đó có hơn 400 hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng nặng chưa bố trí được vốn để sửa chữa.

Ví dụ như hồ Ngàn Trươi (hồ chứa nước lớn nhất Hà Tĩnh và là một trong ba hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam) hiện đã đến hạn kiểm định lần đầu nhưng chưa có kinh phí để thực hiện, cũng chưa có chưa có kinh phí để sửa chữa nâng cấp. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị quan trắc tại các hồ chứa thủy lợi - giải pháp quan trọng để theo dõi, đánh giá mức độ an toàn công trình - hiện còn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhấn mạnh: "Hồ chứa là trái tim của hệ thống thủy lợi, trái tim ngừng đập thì hệ thống sụp đổ. Vì thế cần đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thủy lợi."

Hiện nay, nước ta có hệ thống hồ chứa thủy lợi đã tồn tại rất lâu. Có những hồ chứa đã xây được 50-100 năm vẫn đang được sử dụng. Một số quốc gia trên thế giới đã có quy định về thời gian sử dụng hồ chứa. Tuy nhiên ở Việt Nam, các hồ chứa vẫn được sử dụng dù đã xuống cấp, hư hỏng.Trong luật của chúng ta hiện không có quy định về thời gian đóng cửa các hồ chứa. Nhiều hồ chứa sau khi đi vào vận hành đã có thay đổi lớn về dung tích tích trữ nước.

"Có hồ chứa sau khi khảo sát cho thấy dung tích đã tăng lên gấp rưỡi so với khi bắt đầu đi vào hoạt động, cũng có hồ chứa giảm dung tích trữ nước giảm xuống chỉ còn 1/2. Không xác định được dung tích thực của hồ chứa cũng gây khó khăn trong việc quản lý vận hành các công trình", ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thủy lợi còn rất nhiều vấn đề như: Thể chế, quy định chưa rõ ràng; Quy trình vận hành còn nhiều thiếu sót; nhiều hồ chứa đã xuống cấp, không xác định chính xác được dung tích; ứng dụng khoa học công nghệ chưa hiệu quả; không vận hành theo thời gian thực... Đây là vấn đề lớn mà Bộ NN&PTNT đang làm việc với Cục Thủy lợi và các cơ quan liên quan tìm kiếm giải pháp.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi.

Ông Nguyễn Đăng Hà, Trưởng phòng An toàn đập và hồ chứa nước, Cục Thủy lợi.

Ông Hiệp cho rằng việc vận hành hồ thủy lợi hiện nay nhấn mạnh yếu tố đa mục tiêu. Hồ chứa thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ các ngành khác, không chỉ có chức năng tích nước, xả nước, tưới nước mà còn phục vụ hoạt động kinh tế…

Với những vấn đề còn tồn tại, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề ra một số giải pháp trước mắt ngành thủy lợi cần tập trung khảo sát đánh giá tổng thể hồ chứa hiện nay; xem lại toàn bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức; tập trung rà soát lại quy trình vận hành; tiến hành vận hành hồ chứa theo thời gian thực gắn chặt với lưu vực sông, hạ du; tập trung nâng cấp khoa học công nghệ; tuyển thêm nhiều nhân lực; thí điểm khai thác hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, làm du lịch, nuôi thủy sản, thủy điện...

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ho-chua-thuy-loi-hoat-dong-ca-tram-nam-chua-duoc-nghi-post1691189.tpo