Bộ NN&PTNT chỉ ra rủi ro xuất khẩu, dù không ít mặt hàng nông sản đang 'sốt' giá
Gạo, sầu riêng, thanh long... đang có mức rất cao khi thị trường nhập khẩu tăng mua hàng. Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT vẫn chỉ ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Gần đây, giá sầu riêng tăng sốc, lập kỷ lục hơn 200.000 đồng/kg, giá thanh long lên tới 40.000 đồng/kg… “Cơn sốt” giá nhiều mặt hàng trái cây trên được đánh giá là do sức hút thời điểm từ thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, đầu tháng 2/2023, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 5/2 đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua.
Tuy nhiên, dự báo về hoạt động xuất khẩu nông sản trong năm 2023, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra nhiều cảnh báo mà các doanh nghiệp cần lưu tâm.
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện công tác phát triển thị trường nông sản năm 2022; tiềm năng, thách thức và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản ngày 09/02/2023, Bộ NN&PTNT cho biết xuất khẩu dự báo còn gặp nhiều khó khăn do lạm phát tại các nước tăng cao, một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát, người dân hạn chế mua sắm, hàng tồn kho dư thừa. Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động xuất khẩu nông sản trên thế giới sẽ được phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng tại các nước tăng trở lại.
Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT cho biết thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng không cao.
Số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ còn khiêm tốn, hiện nay mới cấp phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam (xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi).
Cùng với đó, Hoa Kỳ hiện gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam (cá tra, tôm, gỗ dán và tủ gỗ, mật ong); ban hành các quy định thực thi chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP), quy định thực thi Luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA),…
Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT nhận định đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm tươi, sống, xuất khẩu qua tiểu ngạch (trái cây, thủy sản), chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam còn bị lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách/quy định mới trong nhập khẩu; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao; chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.
Đặc biệt, việc Trung Quốc mới mở tuyến đường sắt nối trực tiếp đến các nước Thái Lan, Lào sẽ làm tăng sức cạnh tranh lên xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Với thị trường EU, nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào); chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực; năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU.
Với thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Bộ NN&PTNT thừa nhận công tác mở cửa thị trường còn gặp nhiều khó khăn, do yêu cầu cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, và sự bảo hộ đối với một số ngành hàng trong nước; hệ thống sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu, kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường; cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm từ các nước như: Thái Lan, Trung Quốc...