Bộ NN&PTNT khẳng định không giấu thông tin về dịch tả lợn châu Phi
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, để phòng chống dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, trước tiên phải công khai minh bạch về dịch bệnh, Bộ cũng không giấu bất cứ thông tin nào.
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (ASF) sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian vừa qua dù tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và cá nhân đã rất cố gắng để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi nhưng bệnh vẫn đang xảy ra trên diện rộng và khó để kiểm soát. Bởi, bệnh hiện vẫn chưa có vắc xin và cũng chưa có thuốc chữa.
Ông Cường nhận định, trong thời gian tới, khả năng cao bệnh sẽ tiếp tục lây lan qua 3 hướng nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch là: nơi nào bị rồi tiếp tục tái bị; nơi đang bị sẽ lan sang vùng chưa bị, sẽ bị; dịch sẽ lây lan vào các hộ chăn nuôi lớn hiện các địa phương đang cố gắng cầm cự.
“Nếu chuyện này xảy ra thi thực sự thảm khốc. Đó là còn chưa kể thời tiết năm nay rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển”, ông Cường nói.
Trước tình hình đáng lo ngại trên, theo người đứng đầu bộ NN&PTNT, để phòng chống dịch bệnh lây lan trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc một cách đồng hộ và hiệu quả hơn nữa.
Theo ông Cường, trong tất cả công việc cần triển khai, các cấp, ngành cần tập trung vào chính sách hỗ trợ thu mua, dự trữ thịt lợn sạch đề phòng bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, công tác thu giữ, tiêu hủy cũng phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kỹ thuật.
Mỗi địa phương, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi việc nếu để dịch bệnh lây lan rộng mà không có biện pháp kịp thời phòng, chống. Để đảm bảo tiêu hủy đúng kỹ thuật thì lực lượng công an, quân đội phải là lực lượng nòng cốt. Bởi đây là dịch bệnh đặc biệt, nên cách ứng phó của chúng ta cũng phải đặc biệt.
“Đúng như Thủ tướng đã từng nói: “Dập dịch như đánh giặc”. Do đó, để công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi được hiệu quả, thì trước tiên phải công khai minh bạch về dịch bệnh. Bộ không giấu bất cứ thông tin nào, kể cả câu chuyện nơi nào làm tốt và chưa tốt”, ông Cường cho biết.
Hà Nội tốn gần 200 tỷ đồng, tiêu hủy 10 vạn lợn dịch
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội có số đàn lợn lớn thứ 2 cả nước, 1,9 triệu con, nên đã chủ động chỉ đạo sát sao và thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch. TP đã tiêu hủy khoảng 10 vạn con lợn dịch, tiêu tốn hơn 200 tỷ đồng (giá 38.000đ/kg). Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, xấp xỉ 5% tổng đàn.
Sắp tới, chính quyền, nhân dân TP. Hà Nội sẽ tiếp tục cố gắng kiểm soát dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm giết mổ gia súc và không để tình trạng lợn bị bệnh, lợn chết để không đúng quy định, hoặc bị quăng ra ao, sông, hồ.
Đồng Nai, đàn lợn lớn nhất nước lây dịch sẽ rất nguy hiểm
“Đồng Nai là tỉnh có số đàn lợn lớn nhất nước, khoảng 2,5 triệu con, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên nếu để xảy ra dịch, sẽ rất nguy hiểm”, ông Võ Văn Chánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết.
Ý thức được sự lây lan phức tạp, khó kiểm soát của dịch tả lợn Châu Phi, nên ngay từ khi xuất hiện thông tin dịch có ở Trung Quốc, chính quyền tỉnh đã có chỉ đạo gấp, tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch.
Nhờ đờ, đến nay, Đồng Nai vẫn chưa phát hiện trường hợp hộ chăn nuôi lớn nào có dịch. Ngay cả đàn lợn ghi nhận nhiễm dịch đầu tiên tại đây cũng đã được 3 tuần, từ đó tới nay chưa phát hiện thêm.
Tuy vậy, theo ông Chánh, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai vẫn sẽ tiếp tục duy trì công tác phòng chống dịch tả lợn sao cho hiệu quả, chính xác, kịp thời và không có thái độ chủ quan, lơ là để hạn chế thấp nhất tỷ lệ lợn nhiễm bệnh (nếu phát hiện thêm).
Thái Bình tiêu hủy 300.000 lợn (14.900 tấn), hỗ trợ vượt ngân sách
Thái Bình là 1 trong số những tỉnh xuất hiện sớm tả lợn Châu Phi trong 29 địa phương có dịch cho tới thời điểm hiện tại. Với tổng đàn lợn khoảng 1 triệu con, Thái Bình là tỉnh tiêu hủy nhiều lớn nhất cả nước với số lượng khoảng 300.000 con (14.900 tấn).
Theo ông Phạm Văn Xuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, với số lượng lợn phải tiêu hủy như trên, số tiền dự kiến phải chi cho hỗ trợ là 470 tỷ, trong khi ngân sách dự phòng ban đầu đưa ra chỉ là 100 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh đang cố gắng hoàn tất hồ sơ để có tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi sớm nhất có thể.
“Ban đầu, giá lợn khi có dịch là 45.000đ/kg, mà giá quy định hỗ trợ là 35.000đ/kg, do vậy, chúng tôi đã thống nhất hỗ trợ 80% giá thịt lợn thị trường cho nhân dân”, ông Xuyên nói.
Trước thực trạng dịch bệnh lây lan phức tạp, khó kiểm soát, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh Thái Bình tiếp tục kiểm tra, rà soát và tập trung vào các giải pháp sinh học để phòng tránh dịch bệnh lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng cần động viên, giải thích, tuyên truyền cho người dân để mọi người tránh tâm lý hoang mang, quay lưng với thịt lợn.
Thanh Hóa: Nhiều xã hết dịch, địa phương phải ứng tiền ngân sách hỗ trợ dân
Tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi (ASF) sáng nay, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, với tổng đàn lợn trên 1,2 triệu con, đến nay, tỉnh đã có 293 hộ, 61 xã, 13 huyện có dịch, tiêu hủy 5.400 con lợn bệnh.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Bộ NN&PTNT cũng như chính quyền địa phương, thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã có 18 xã của 5 huyện được phép công bố hết dịch (qua dịch 30 ngày không phát hiện thêm).
Tuy nhiên, cũng theo ông Quyền, việc hỗ trợ kinh tế cho những hộ nhân dân có lợn bị tiêu hủy đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ bằng 80% giá lợn của thị trường, tối thiểu 38.000 đồng, nhưng do số lượng lớn, 5.400 con, nên hiện tại để chi trả kịp thời cho người dân, tỉnh sẽ tạm thời ứng trước tiền ngân sách để chi trả và đề nghị Trung ương hỗ trợ sớm để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến thời điểm ngày 12/5, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước.
Tuy vậy, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Video: Dịch tả lợn Châu Phi xóa sổ cả trang trại, người dân khóc nghẹn