Bộ Nội vụ đề xuất chấm điểm công chức theo tháng, gắn với thưởng và bổ nhiệm
Thay vì đánh giá vào cuối năm như trước đây, Bộ Nội vụ đề xuất phương thức chấm điểm công chức hằng tháng, tổng hợp vào cuối năm và dùng làm căn cứ xét thưởng, quy hoạch, luân chuyển và kỷ luật cán bộ.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định mới về đánh giá, xếp loại chất lượng công chức. Điểm nhấn quan trọng trong đề xuất lần này là việc đánh giá công chức sẽ không chỉ dồn vào cuối năm mà diễn ra xuyên suốt năm công tác, với cơ chế theo dõi, chấm điểm theo tháng và quý.
Kết quả xếp loại cuối năm được yêu cầu hoàn tất trước ngày 15/12, hoặc muộn nhất là 15/1 của năm sau đối với các đơn vị đặc thù.
Tránh "chạy điểm" cuối năm, hạn chế tình trạng "trắng điểm" khi luân chuyển
Một thay đổi đáng chú ý là việc áp dụng cơ chế chuyển tiếp kết quả đánh giá khi công chức được luân chuyển công tác. Theo dự thảo, cơ quan cũ sẽ phải gửi kết quả đánh giá trong sáu tháng gần nhất tới cơ quan mới, làm căn cứ tính điểm trung bình cả năm. Quy định này nhằm ngăn tình trạng công chức bị "trắng điểm", đồng thời bảo đảm việc đánh giá không bị gián đoạn.
Hệ thống chấm điểm công chức được xây dựng trên thang 100. Từ 90 điểm trở lên: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; từ 70 đến dưới 90 điểm: Hoàn thành tốt nhiệm vụ; từ 50 đến dưới 70 điểm: Hoàn thành nhiệm vụ; dưới 50 điểm hoặc có vi phạm nghiêm trọng: Không hoàn thành nhiệm vụ.

Gắn kết quả làm việc của công chức gắn với quyền lợi và trách nhiệm. Ảnh: Thạch Thảo
Cách đánh giá này hướng tới định lượng, minh bạch, thay cho hình thức nhận xét định tính như trước.
Công chức sẽ tự lập báo cáo đánh giá chất lượng công việc cả năm, trình bày tại cuộc họp của đơn vị để lấy ý kiến và chấm điểm.
Thành phần tham dự họp được xác định theo vị trí của người được đánh giá. Nếu là thủ trưởng thì họp với tập thể lãnh đạo, đại diện cấp ủy, tổ chức chính trị-xã hội. Nếu là cấp phó hoặc giữ chức vụ khác thì họp với toàn thể công chức của đơn vị.
Sau đó, cấp ủy cùng cấp sẽ có ý kiến bằng văn bản. Cơ quan tổ chức, cán bộ tổng hợp tài liệu, đối chiếu thang điểm, lập phiếu điểm chính thức và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kết quả xếp loại sẽ được gửi trực tiếp đến công chức, đồng thời công khai tại cơ quan, đơn vị và cập nhật lên hệ thống điện tử để lưu trữ vào hồ sơ cán bộ.
Tăng cường tính minh bạch, công bằng
Dự thảo đề xuất sử dụng kết quả đánh giá vào ba nhóm mục đích chính. Thứ nhất, điểm số hàng tháng giúp phát hiện kịp thời khó khăn, đề xuất giải pháp xử lý và điều chỉnh khối lượng công việc.
Thứ hai, kết quả định kỳ sáu tháng và cuối năm là căn cứ bố trí, thay đổi vị trí việc làm và xác định mức thưởng tăng thêm, tối đa 10% quỹ lương cơ quan.
Thứ ba, xếp loại hoàn thành xuất sắc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trở thành tiêu chí quan trọng trong quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển và khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Dự thảo cũng yêu cầu lưu giữ đầy đủ hồ sơ đánh giá trên hệ thống điện tử và bản giấy (đối với biên bản, phiếu điểm, nhận xét cấp ủy...), để bảo đảm khả năng đối chiếu lâu dài, hạn chế thất lạc hay chỉnh sửa trái phép.
Một điểm mới nữa là công chức sẽ chủ động thống kê công việc đã làm, đề xuất sản phẩm chuẩn phù hợp với vị trí và cập nhật nhật ký công tác kịp thời. Cách tiếp cận này hướng tới việc nâng cao ý thức tự quản, tự chịu trách nhiệm của mỗi người.
Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo nghị định đang được tiếp tục lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp. Nếu được thông qua, hệ thống đánh giá theo điểm số, từ theo dõi hàng tháng tới tổng hợp cuối năm được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực thi đua, đồng thời tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc sử dụng và đãi ngộ đội ngũ công chức.