Bộ Nội vụ gợi ý cách đặt tên tỉnh, xã mới sau sáp nhập

Dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính được Bộ Nội vụ đề xuất nội dung liên quan tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính

Chiều nay (14/4), theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Dự thảo nghị quyết quy định về việc sắp xếp các tỉnh, thành phố (cấp tỉnh) và sắp xếp xã, phường, thị trấn (cấp xã) trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Sắp xếp đơn vị cấp xã để giảm số lượng theo tỷ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Sắp xếp đơn vị cấp xã để giảm số lượng theo tỷ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Theo đó, sắp xếp đơn vị cấp tỉnh là việc nhập tỉnh với tỉnh để hình thành tỉnh mới hoặc nhập tỉnh với thành phố trực thuộc trung ương để hình thành thành phố trực thuộc trung ương mới theo định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong khi đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là việc thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã để giảm số lượng theo tỷ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm quy mô phù hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Với trường hợp sắp xếp phường và các đơn vị hành chính cùng cấp, dự thảo quy định, đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là xã.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính là đơn vị có vị trí biệt lập hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tên gọi mới cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn

Về định hướng tiêu chuẩn của đơn vị cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp, dự thảo nêu rõ, đơn vị cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính tương ứng theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trường hợp sắp xếp tỉnh đã được định hướng thành thành phố trực thuộc trung ương thì cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp cần cơ bản đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc trung ương.

Dự thảo cũng đề xuất nội dung liên quan tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Theo đó, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng quy định việc đặt tên, đổi tên của đơn vị cấp xã hình thành sau sắp xếp. Cụ thể, tên của đơn vị cấp xã mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Cơ quan soạn thảo khuyến khích đặt tên của đơn vị cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tên của đơn vị cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự kiến hình thành.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-noi-vu-goi-y-cach-dat-ten-tinh-xa-moi-sau-sap-nhap-post1733535.tpo