Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Tại sao các tỉnh khác làm được, tỉnh mình không làm được?

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình không hài lòng khi một số địa phương 'đá bóng lên, đá bóng xuống', có tâm lý chờ đợi trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo.

Chiều 15-4, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết số 233/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.

Khắc phục khó khăn khi lập Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh có các dự án điện năng lượng tái tạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đôn đốc thực hiện kế hoạch, chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án.

Qua trao đổi với Bộ Công Thương, đại diện UBND các tỉnh đã nắm rõ về thẩm quyền, cách thức xử lý, đồng thời thống nhất sẽ tích cực giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-BCT về phê duyệt cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó 142 dự án điện mặt trời đã có căn cứ pháp lý về quy hoạch.

Để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã cố gắng khắc phục, nỗ lực trong việc lập Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, trong đó đã cập nhật các dự án/phần dự án đã được phê duyệt bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật làm hành lang pháp lý rõ ràng, góp phần triển khai thực hiện nhanh chóng các dự án điện.

Tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền tại Nghị quyết 233.

 Cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì chiều 15-4. Ảnh: VGP

Cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án năng lượng tái tạo do Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì chiều 15-4. Ảnh: VGP

Về thủ tục liên quan đến đất đai, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho hay tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo về các dự án chồng lấn đất titan nhưng chưa giải quyết theo đúng Nghị quyết 233; tỉnh Đắk Nông chưa có báo cáo giải quyết đối với các dự án chồng lấn trên đất quy hoạch phân vùng thăm dò, dự trữ, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxit.

Về các dự án vướng mắc đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hoặc liên quan đến thủ tục đất đai, trong 8 tỉnh được nêu tại Kết luận 1027/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, mới chỉ có Long An có kết quả giải quyết. Còn thiếu kết quả giải quyết của 7 tỉnh: Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông,

Không để xảy ra tiêu cực, lãng phí

Nhiều vướng mắc trong việc triển khai dự án liên quan đến thủ tục đất đai (chồng lấn giữa quy hoạch bauxit và quy hoạch điện gió, chuyển mục đích sử dụng đất rừng); nghiệm thu công trình xây dựng; hưởng cơ chế ưu đãi (giá FIT); xử lý đối với các dự án điện mặt trời mái nhà… đã được lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành trao đổi, tháo gỡ tại cuộc họp.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết trên địa bàn tỉnh có 2 dự án là Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 và Lộc Ninh 4. Với dự án Lộc Ninh 3, tỉnh đã chỉ đạo xử lý, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan, xử phạt Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 số tiền 1,4 tỉ đồng.

Tỉnh cũng xem xét kỷ luật cá nhân liên quan đến dự án Lộc Ninh 4 và xử phạt hơn 600 triệu đồng. Tỉnh sẽ chủ động chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường xử lý các vướng mắc về đất rừng và triển khai các bước theo thẩm quyền.

Liên quan đến đối tượng hưởng giá FIT, đại diện EVN cho biết hiện có 172 nhà máy chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm công nhận vận hành thương mại.

EVN đã làm việc với chủ đầu tư của 159 nhà máy, trong số này có 39 nhà máy cho biết đã đề nghị cơ quan nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu (19 nhà máy gửi văn bản chính thức, 20 nhà máy gửi tài liệu qua các hình thức điện tử).

Về nguồn vốn đầu tư, có 65 nhà máy/phần nhà máy có nhà đầu tư nước ngoài tham gia, trong đó 27 nhà máy có 100% vốn nước ngoài. Hiện EVN đang tạm thanh toán từ tháng 1/2025...

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu các dự án điện năng lượng tái tạo này nằm trong nhóm 1.533 dự án tồn đọng. Bộ Chính trị, Chính phủ đã có chủ trương tập trung tháo gỡ cho nhóm dự án này, trong đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 233 với đầy đủ các nguyên tắc, các địa phương cần phải bám vào nội dung của Nghị quyết, xem xét phân nhóm xử lý, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan, cấp, ngành, địa phương nào thì cơ quan, cấp, ngành, địa phương đó giải quyết, làm quyết liệt, không đùn đẩy trách nhiệm.

 Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình không hài lòng khi một số địa phương đá bóng lên đá bóng xuống, không làm hết trách nhiệm. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình không hài lòng khi một số địa phương đá bóng lên đá bóng xuống, không làm hết trách nhiệm. Ảnh: VGP

Các địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm

Hoan nghênh một số địa phương đã khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đưa dự án điện năng lượng tái tạo vào hoạt động, song Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ không hài lòng khi một số địa phương chưa tích cực tháo gỡ, chưa làm hết trách nhiệm, “đá bóng lên, đá bóng xuống” và có tâm lý chờ đợi.

Đặt câu hỏi “tại sao các tỉnh khác làm được, tỉnh mình không làm được”, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Khẳng định các cơ chế, chính sách để tháo gỡ đã có; chỉ đạo đã rõ, rất chi tiết, cụ thể, Trưởng ban Chỉ đạo 751 lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát lại các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo để tháo gỡ cho doanh nghiệp, nhất là những nội dung liên quan đến trình tự thủ tục xây dựng, cấp phép; công tác quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về hưởng giá FIT…

Các vướng mắc này cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện trong tháng 5-2025. Các Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương trả lời ngay các nội dung địa phương hỏi.

“Không có biên bản nghiệm thu thì không đủ điều kiện vận hành, không đủ điều kiện vận hành thì không được hưởng giá FIT”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu các dự án phải làm theo quy định pháp luật. Đối với 39 dự án đã có đề nghị cơ quan nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu, EVN rà soát lại thời điểm báo cáo có đủ điều kiện hưởng giá FIT hay không, báo cáo Bộ Công Thương.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/pho-thu-tuong-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-tai-sao-cac-tinh-khac-lam-duoc-tinh-minh-khong-lam-duoc-post844588.html