Bộ Nội vụ nói gì khi cử tri kiến nghị không đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế?
Theo Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế ngành giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc 'có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp', cần thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền.
Tinh giản đảo đảm nguyên tắc 'có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp'
Cử tri tỉnh Hà Nam cho rằng: "Hiện nay, trẻ trong độ tuổi đến trường tăng để đảm bảo tiêu chuẩn sĩ số học sinh trong một lớp, các trường phải bổ sung tăng số lớp học, nhu cầu giáo viên cho các lớp tăng. Cử tri đề nghị xem xét không đưa giáo viên thuộc diện tinh giản biên chế của ngành giáo dục đồng thời tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên giao cho các địa phương để đảm bảo nhu cầu dạy và học thực tế tại các địa phương”.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết: Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm đến hết năm 2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không phải giảm tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) so với năm 2021 theo Kết luận số 28 và Kết luận số 40 của Bộ Chính trị.
Riêng đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế nêu trên, đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, cần thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền. Trên cơ sở đó đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tạo điều kiện cơ cấu lại số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Kết luận số 28 gày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận số 40 ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.
Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học của nhiều địa phương trong năm học 2023 - 2024, Bộ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng hợp về nhu cầu biên chế giáo viên của các địa phương (trong đó có tỉnh Hà Nam), trên cơ sở đó xác định các nguyên tắc, tiêu chí làm cơ sở đề xuất bổ sung biên chế giáo viên, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để có ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương phân bổ biên chế giáo viên cho các địa phương trong tổng số biên chế giáo viên còn lại dự kiến bổ sung giai đoạn 2022 - 2026.
"Trường hợp số biên chế giáo viên được giao (bao gồm số hưởng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) trong các trường mầm non, phổ thông công lập chưa đủ theo định mức quy định, căn cứ Nghị định số 111 ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị cử tri có ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số biên chế giáo viên còn thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, theo đó trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng giáo viên ký kết hợp đồng lao động không quá 70% số biên chế giáo viên còn thiếu nêu trên", văn bản trả lời của Bộ Nội vụ nêu rõ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi định mức học sinh, giáo viên/lớp
Bộ Nội vụ cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên về việc "Hiện nay thiếu giáo viên dẫn đến các nhà trường phải dồn lớp, số học sinh trên lớp vượt quy định, điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện giao biên chế và tinh giản biên chế cần có giải pháp căn cơ, lộ trình cụ thể, có tính đến đặc điểm của từng vùng, miền và địa phương thực tế số lớp, số học sinh, tránh trường hợp tinh giản cơ học.”
Bên cạnh những thông tin đã trả lời ở trên, Bộ Nội vụ cho rằng địa phương cần tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả số giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao, đặc biệt là số biên chế giáo viên được bổ sung theo Quyết định của Bộ Chính trị đồng thời nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp để chuẩn bị nguồn tuyển dụng giáo viên như: Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực, nguyện vọng phù hợp với nhu cầu để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp; Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên, ngoài những chính sách được quy định tại Nghị định số 116/2020...
Theo Quy định số 70 và Quyết định số 72 của Bộ Chính trị thì Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương) Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giao biên chế cho các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Do vậy, đối với kiến nghị về việc giao biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị cử tri có ý kiến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên để có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương có ý kiến về vấn đề này.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Sau khi thông tư được ban hành sẽ làm cơ sở cho các địa phương sắp xếp lại quy mô lớp học và xác định biên chế giáo viên phù hợp với thực tế của từng địa phương.