Bộ Nội vụ nói gì về kiến nghị mở rộng đối tượng tinh giản biên chế

Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp bị suy giảm khả năng lao động nhưng đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu sẽ được giải quyết chế độ nghỉ hưu.

Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, liên quan đến quy định tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp như sau: ''Kiến nghị xem xét mở rộng đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP như bị bệnh hiểm nghèo (theo danh mục của Bộ Y tế) có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh bị suy giảm khả năng lao động từ 75% trở lên, cá nhân tự nguyện thực hiện chính sách tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý''.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Chinhphu.vn

Trả lời nội dung trên, Bộ Nội vụ, cho biết rằng ngày 3/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, trong đó tại điểm e khoản 1 Điều 2 đã quy định cán bộ, công chức, viên chức sức khỏe yếu thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. Theo đó, các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên thì được thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định các trường hợp hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Do vậy, các trường hợp bị suy giảm khả năng lao động, trong đó có trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 75% trở lên, khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì giải quyết chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, không giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP.

Ngoài ra, cử tri tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy định Hội đồng quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, quy định quy chế làm việc của Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập ban hành danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh việc ban hành Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý, quy chế làm việc của Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập là theo phân công của Chính phủ Danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành nội vụ, Bộ Nội vụ được giao quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn thư – lưu trữ.

Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công này đang cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước nên chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, do vậy chưa đặt ra phải đổi mới phương thức quản trị. Vì vậy, việc ban hành Thông tư hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực nội vụ chưa đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Về ban hành danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và hướng dẫn định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 765/QĐ-TTg ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực nội vụ, gồm: Dịch vụ lưu trữ, dịch vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BNV ngày 3/6/2023 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đối với lĩnh vực lưu trữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành 6 Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật về lĩnh vực này.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-noi-vu-noi-gi-ve-kien-nghi-mo-rong-doi-tuong-tinh-gian-bien-che-336364.html