Bộ Nội vụ nói gì về thử nghiệm thiết bị thang máy tại Việt Nam?
Theo Bộ Nội vụ, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thang máy có thể lựa chọn phương thức chứng nhận hợp quy tại nơi sản xuất cho các sản phẩm theo mẫu để tránh phải thử nghiệm theo từng lô sản phẩm.
Tại văn bản số 4620/BNV-CVL ngày 2/7/2025 trả lời về đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Thang máy Việt Nam liên quan đến quy định thử nghiệm thiết bị thang máy, Bộ Nội vụ cho biết, việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp đã được quy định cụ thể tại Điều 26, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; các Nghị định có liên quan; các Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều doanh nghiệp lúng túng trước quy định mới về thử nghiệm thiết bị an toàn thang máy.
Trước đó, ngày 5/12/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BLĐTBXH (Thông tư 13), trong đó có nội dung bãi bỏ Điều 6 của Thông tư số 26/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 (Thông tư 26) về "Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp" (bãi bỏ quy định cho phép thừa nhận, sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm nước ngoài).
Sau khi Thông tư số 13 có hiệu lực thi hành, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thang máy đã có ý kiến, việc bãi bỏ Điều 6 của Thông tư 26 tạo ra những vướng mắc trong quy trình thủ tục, chi phí thử nghiệm và thời gian cấp chứng nhận hợp quy gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cung ứng, hoạt động sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trả lời về đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, tại văn bản số 4620/BNV-CVL, Bộ Nội vụ cho rằng quy định bãi bỏ Điều 6, Thông tư 26 về "Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp" tại Điều 2, Thông tư số 13 nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh quy định chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để phục vụ chứng nhận, công bố hợp quy các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ nói chung và sản phẩm thang máy nói riêng được thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nên tạm dừng quy định thử nghiệm thiết bị an toàn thang máy
Doanh nghiệp than khó về quy định thử nghiệm thiết bị an toàn thang máy trong nước
Giải đáp thắc mắc về phát triển hạ tầng thử nghiệm tại Việt Nam, Bộ Nội vụ cho biết, công tác thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa đã được xã hội hóa. Tuy nhiên, việc đầu tư các phòng thử nghiệm đòi hỏi nguồn vốn lớn và trình độ, năng lực về con người của tổ chức thử nghiệm.
Hiện nay, một số tổ chức đang nghiên cứu và có kế hoạch đầu tư phòng thử nghiệm đối với sản phẩm thang máy, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu các chính sách thúc đẩy hoạt động thử nghiệm trong lĩnh vực thang máy, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức thử nghiệm đủ năng lực đi vào hoạt động nhanh nhất.
Về thời hạn hiệu lực của kết quả thử nghiệm, theo Bộ Nội vụ, kết quả thử nghiệm là một trong những cơ sở để thực hiện công tác chứng nhận hợp quy cho sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn phương thức chứng nhận hợp quy tại nơi sản xuất (phương thức 5 theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN) cho các sản phẩm theo mẫu để tránh phải thử nghiệm theo từng lô sản phẩm.
Trong thời gian tới, trên cơ sở Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua; Bộ Nội vụ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành để vừa đảm bảo kiểm soát chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nói chung và sản phẩm thang máy nói riêng, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.