Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2025: Tăng trưởng cao nhất trong gần 20 năm qua
Chiều 3-7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2025, nhiều vấn đề lớn đang được dư luận quan tâm đã được các bộ, ngành thông tin chính thức. Trong đó, nổi bật là việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, kết quả tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả và đào tạo nhân lực công nghệ cao cho tương lai.
Tăng trưởng cao nhất trong gần 20 năm qua
Phát biểu tại họp báo, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin một số kết quả kinh tế-xã hội nổi bật tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, tính chung 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II-2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng khoảng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, điều đáng mừng là cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt (nông nghiệp 3,85%; công nghiệp, xây dựng 8,18%; dịch vụ 7,83%).
Đặc biệt, trong tháng 6 có 24.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.300 hộ, tăng 118,4%. Tính chung 6 tháng có 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).
Triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà, từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành trên cả nước. Để bảo đảm nền tảng pháp lý, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, các bộ đã ban hành 58 thông tư hướng dẫn kịp thời, công khai toàn bộ quy trình thủ tục, chi phí và thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu. Ảnh: VGP
Cụ thể, có 556 thủ tục hành chính được phân cấp, trong đó UBND tỉnh đảm nhiệm 262 thủ tục, Chủ tịch UBND tỉnh 217 thủ tục, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh 70 thủ tục, cấp xã 7 thủ tục. Bên cạnh đó, 346 thủ tục được phân định lại thẩm quyền, chuyển lên cấp tỉnh 18, chuyển xuống xã 278 và bãi bỏ 50 thủ tục. Tính tổng thể sau khi sắp xếp lại, cấp tỉnh quản lý 1.261 thủ tục, cấp xã 463 thủ tục, đồng thời bãi bỏ 74 thủ tục không còn phù hợp.
Bộ Nội vụ cũng đã ban hành “Cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã”, giúp cán bộ nắm rõ chức trách, nhiệm vụ và xử lý tình huống phát sinh, đồng thời triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc vận hành thông suốt trên môi trường điện tử.
Tín dụng tăng mạnh, hỗ trợ phát triển kinh tế và công nghệ cao
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến cuối tháng 6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024 và 18,87% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2023.
Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp. Một số ngành chính như ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng trong ngành. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn là khoảng 23,74%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà - Ảnh: VGP
Về tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục là hai ngành có tỷ trọng lớn. Cụ thể là nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 23,16%. Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 17,51%. Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có tốc độ tăng trưởng rất cao, gần gấp đôi so với tốc độ chung. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao là 15,69% và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.
Các chương trình tín dụng trọng điểm cũng được triển khai tích cực như: Gói 100.000 tỷ đồng cho lâm thủy sản, 500.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng và sở hữu số, cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê nhà...
Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái: Khởi tố hàng loạt vụ việc nghiêm trọng
Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn rất “nóng”. Mới đây nhất, Bộ Công an đã triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP và nhãn hiệu thực phẩm Ofood của Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (Công ty Nhật Minh Food) đã biến dầu ăn dùng trong chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Điều đáng lo ngại là những sản phẩm này đã lưu thông trên thị trường và có thể đã đi vào bữa ăn hằng ngày của người dân, bao gồm cả các bếp ăn tập thể và dùng chế biến đồ ăn cho trẻ em. Đặc biệt là những người nổi tiếng, đã tham gia quảng cáo thời gian dài cho các sản phẩm hàng giả, sữa giả.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cung cấp thông tin về kết quả điều tra các đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả - Ảnh: VGP
Trả lời báo chí về nội dung này, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đây là nội dung liên quan đến cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bộ Công an đang tập trung rất cao cho nội dung này. Sau 1 tháng cao điểm, Bộ vẫn tập trung và sẽ làm thường xuyên, liên tục. Trong tháng cao điểm, Công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can liên quan hành vi này; xử lý hành chính 944 vụ và 968 đối tượng.
Qua đây cho thấy diễn biến rất phức tạp và thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi, từ khâu chuẩn bị thành lập các công ty bình phong và hệ sinh thái đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, việc này đi theo chu trình tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng và có tính chất rất nguy hiểm như sản phẩm Ofood đã đi vào các bữa ăn hằng ngày.
Về vụ án liên quan sản xuất, buôn bán sữa giả HIUP: Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi. Một là vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và hai là sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.
Đối với vụ án sản phẩm Ofood: Đây là vụ án buôn lậu, sản xuất dầu thực vật giả quy mô lớn, biến dầu dành cho thức ăn chăn nuôi thành dầu ăn cho người. Đây là hành vi rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ lụy đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng.
Ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực công nghệ cao - ẢNh: VGP
Trả lời câu hỏi về công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, từ năm 2024, quy mô tuyển sinh các ngành STEM tăng mạnh, đạt 218.000 sinh viên, chiếm 36% tổng số sinh viên toàn quốc.
Riêng đào tạo sau đại học cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, số học viên cao học ngành STEM tăng 34%, tiến sĩ tăng 33%. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên theo học nhóm ngành này tại Việt Nam mới đạt khoảng 27-31%, thấp hơn nhiều so với các nước như Singapore, Malaysia hay Hàn Quốc.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng nghị định về học bổng và chính sách tín dụng ưu đãi cho sinh viên các ngành STEM, đặc biệt là ngành vi mạch bán dẫn, lĩnh vực mà Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030 theo Chương trình 1017 về “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” đã được Thủ tướng phê duyệt.