Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai luật pháp
Sáng ngày 14-10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua, sau 4 năm triển khai thực hiện thực sự đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai tổ chức và hoạt động của Chính phủ và tổ chức chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số bất cập, phát sinh cần phải được rà soát, sửa đổi cho kịp thời. Đến nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 3 điều; Luật Tổ chức Chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung 18 điều.
Theo ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ), những điểm mới cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức: Luật mới không quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước; đồng thời quy định chuyển tiếp đối với công chức trong các đơn vị sự nghiệp tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng các quy định.
Những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; theo ông Long, Luật mới quy định việc đánh giá viên chức được thực hiện hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch. Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy dịnh tại điểm a khoản này”.
Về ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn đổi với viên chức. Theo đó, sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định hạn từ 12 tháng đến 60 tháng dối với Viên chức được tuyển dụng mới sau 1-7-2020. Bổ sung quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do băng văn bản.
Đối với một số bất cập trong thực tiễn khi triển khai Luật Viên chức, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nếu viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự. Sửa đổi quy định về hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc để khắc phục tình trạng lợi dụng hưởng các chế độ này khi chuyển công tác hoặc trước khi nghỉ hưu.
Tại hội nghị, một số địa phương và bộ, ngành đã nêu lên một số băn khoăn cần có nghị định để hướng dẫn thực hiện cụ thể. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nêu một số vướng mắc, như tại Nghị định số 106 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập cần cụ thể hơn.
Ông Cảnh Chí Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT băn khoăn, đối với những người lao động mới tuyển dụng trước ngày 1-7-2020 nhưng vẫn trong thời gian tập sự, khi kết thúc tập sự sau ngày 1-7-2020 có được ký hợp đồng không xác định thời hạn nữa hay không?
Lãnh đạo TP Hà Nội băn khoăn trong quá trình thực hiện Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cần cụ thể hơn để thực hiện.
Trong khi đó, ông Bạch Chơn Đông, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực trạng: theo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND có 8 nhiệm vụ lớn; nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND có 11 nhiệm vụ, nhưng những nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND là những nhiệm vụ rất nhỏ, chủ yếu công tác cán bộ, còn nhiệm vụ lớn như kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đều thuộc của UBND.
Khi quyết các vấn đề, Chủ tịch UBND phải lấy ý kiến các thành viên UBND (khoảng 27 người), nhưng trong đó có thành viên không nắm rõ vấn đề, do vậy trong thực tế có những ý kiến rất hình thức của thành viên UBND, theo ông Đông đây là thực trạng cần có điều chỉnh lại trong hướng dẫn thi hành Luật.
Những băn khoăn, vướng mắc trên cơ bản được lãnh đạo các Vụ chức năng của Bộ Nội vụ giải đáp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, sau gần 5 năm áp dụng Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức đã đạt được nhiều kết quả tích cực; nhưng vẫn còn một số tồn tại cần sửa đổi, bổ dung để phù hợp với Nghị quyết Trung 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 – 7 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả…
Hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức cơ bản đã được ban hành, kịp thời điều chỉnh các vấn đề cụ thể. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, việc trao đổi những vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai luật để thống nhất cách hiểu đúng; những vấn đề chưa kịp thời được hướng dẫn sẽ được tổng hợp để báo cáo Chính phủ, làm sao để 4 nội dung sửa đổi của 4 Luật được triển khai hiệu quả, thiết thực trong thực tiễn.