Bộ Nông nghiệp và Môi trường mở đợt cao điểm xử lý vật tư nông nghiệp giả
Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trong nhiều lĩnh vực, Bộ Nông nghiệp và Môi trường triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm từ ngày 15/5 - 15/6/2025 với cam kết 'không vùng cấm, không ngoại lệ'.
Đây là nội dung trọng tâm trong Kế hoạch số 02/KH-BNNMT của Bộ được ban hành ngày 21/5/2025, nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg (17/5/2025) về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tình hình mới và Công điện số 65/CĐ-TTg (15/5/2025) về việc mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Theo đó, Bộ sẽ chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ cao như sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lâm sản, thủy sản. Các hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, chất kích thích tăng trưởng trái phép hay thủ đoạn gian dối trong bảo quản, sơ chế sản phẩm nông nghiệp... đều bị xử lý nghiêm.
Tinh thần xuyên suốt của đợt cao điểm là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, kết hợp giữa kiểm tra hành chính và hậu kiểm chuyên môn kỹ thuật. Đồng thời, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Y tế để thanh tra liên ngành đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản.

Các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra vật tư nông nghiệp. Ảnh: Hương Giang
Theo Kế hoạch, công tác kiểm tra không những xử phạt, mà còn tạo ra sự răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cả hệ thống từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng vốn là nỗi ám ảnh dai dẳng của ngành nông nghiệp. Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm có hàng chục vụ vi phạm nghiêm trọng liên quan đến phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho nông dân và ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam.
Không ít sản phẩm “mạo danh” thương hiệu nổi tiếng, được đóng gói tinh vi, bán trôi nổi ở các chợ vùng sâu, vùng xa, đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân. Trong nhiều trường hợp, hậu quả không chỉ là giảm năng suất cây trồng, vật nuôi mà còn kéo theo hệ lụy về môi trường đất, nước, mất an toàn thực phẩm.
Song hành với kiểm tra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt mục tiêu rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là các quy trình tiền kiểm - hậu kiểm, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với vật tư nông nghiệp.
Các địa phương được yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong công tác cấp mã số vùng trồng, quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng siết chặt từ gốc. Với những hành vi vi phạm mang tính hệ thống, Bộ sẽ kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý hình sự, không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Cùng với hoạt động thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin cho người dân nhận diện hàng giả, hàng nhái.
Thực tế cho thấy, nhiều nông dân vì thiếu thông tin hoặc không tiếp cận được các kênh mua bán chính thống, đã vô tình tiếp tay cho hàng giả lưu hành. Do đó, việc truyền thông cần đi sâu đến tận thôn, bản, kết hợp với hệ thống khuyến nông, hợp tác xã để đưa thông tin chính xác, dễ hiểu đến từng hộ sản xuất.
Trong đợt cao điểm lần này, việc kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập khẩu hóa chất, phụ gia, chất bảo quản trong chế biến nông sản cũng được chú trọng. Nếu không kiểm soát tốt từ khâu vật tư đầu vào thì ngoài việc nông sản bị trả về còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Bộ cũng đặt ra yêu cầu xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng để tăng độ minh bạch trong chuỗi cung ứng. Đây là một trong những giải pháp mang tính căn cơ để phòng ngừa tình trạng gian lận thương mại trong nông nghiệp.