Nhức nhối bạo lực học đường: Bài 3- Trẻ em được pháp luật bảo vệ như thế nào?

Hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em đã quy định đầy đủ. Quyền được an toàn của các em phải được thực thi ngay từ hành động cụ thể từ nhà trường, gia đình, cơ quan chức năng và toàn xã hội.

 Môi trường học tập lành mạnh, an toàn là điều cần thiết đối với học sinh.

Môi trường học tập lành mạnh, an toàn là điều cần thiết đối với học sinh.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, thời gian qua ở tỉnh Bắc Kạn chưa có vụ bạo lực học đường nào bị khởi tố, do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên cả nước đã có những vụ việc được đưa ra thực thi công lý. Tại tỉnh Thanh Hóa, tháng 12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nông Cống đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích"; khởi tố các bị can (là học sinh) liên quan đến vụ đánh nữ sinh gãy đốt sống cổ xảy ra tại thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc.

Trước đó, vào tháng 11/2024, Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 03 học sinh lớp 12 có hành vi đánh nhau, sử dụng hung khí gây thương tích tại Trường THPT Quang Trung. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 03 học sinh về tội gây rối trật tự công cộng, theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật không thể xem nhẹ. Pháp luật đã có những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em cũng như chế tài xử lý đối với trẻ em có hành vi vi phạm.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường. Theo đó tất cả cơ sở giáo dục đều phải có môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; không có tệ nạn xã hội, không bạo lực.

Tại Điều 6 của Nghị định nêu rõ biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân. Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường. Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường...

Vậy, khi nào thì hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự? Theo cơ quan chức năng, các hành vi bạo lực học đường sẽ bị xử lý nghiêm, căn cứ theo tính chất và mức độ vi phạm.

Điều 5, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý. Cũng theo quy định tại Điều 22 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo: Cảnh cáo được áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Ngoài các biện pháp hành chính, một số trường hợp bạo lực học đường nghiêm trọng có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng như: Hành vi gây thương tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc dẫn đến tử vong. Các yếu tố tăng nặng bao gồm việc sử dụng vũ khí, hành vi có tổ chức hoặc tái phạm nhiều lần, các trường hợp này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe và ngăn chặn.

Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015 (28 tội danh), còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Như vậy, theo quy định nêu trên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe của nạn nhân bạo lực học đường như giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe theo quy định tại các Điều 123, 134 của Bộ luật Hình sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi phạm tội xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bạo lực học đường.

 Hãy để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Hãy để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Bạo lực học đường ngày càng có tính chất nghiêm trọng, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Việc xử lý các hành vi bạo lực cần cân nhắc mức độ nghiêm trọng và hậu quả để quyết định áp dụng hình thức xử lý hành chính hay hình sự. Phát hiện kịp thời, uốn nắn học sinh "cá biệt" để không hình thành hành vi bạo lực học đường cũng là cách bảo vệ sớm để các em không phạm pháp.

Chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và bền bỉ từ gia đình, nhà trường, chính quyền và toàn xã hội, vấn nạn bạo lực học đường mới từng bước được đẩy lùi, tạo lập môi trường học đường thực sự an toàn và nhân văn cho thế hệ tương lai./. (Hết)

Trang Lê

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nhuc-nhoi-bao-luc-hoc-duong-bai-3-tre-em-duoc-phap-luat-bao-ve-nhu-the-nao-post70896.html