Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Ngày 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì điểm cầu Phú Thọ.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì hội nghị. Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo Sở NN&PTNT, các sở, ngành và các đơn vị chuyên môn.

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp do dịch bệnh, xung đột vũ trang… đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, cung ứng và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành, ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,36%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53,2 tỉ USD; trên 73% số xã trong toàn quốc đạt chuẩn nông thôn mới; tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 42%; số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt trên 78%...

Sản phẩm chè xanh Phú Thọ được Bộ NN&PTNT đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế năm vừa qua.

Công tác mở cửa, tìm kiếm thị trường có nhiều đổi mới, sáng tạo, mở rộng cả trong và ngoài nước; hình thức thương mại điện tử gia tăng; tổ chức chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tăng mạnh với hơn 2.500 chuỗi trong cả nước; việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào các khâu đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng và số lượng của các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao…

Đối với ngành nông nghiệp Phú Thọ, năm 2022 cũng đạt được nhiều kết quả tích cực: Sản xuất được mùa cả hai vụ; giá trị tăng thêm của ngành so với năm 2021 đạt 3,53%, chiếm 20,2% cơ cấu kinh tế chung của toàn tỉnh; cơ cấu lại nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh từ “lượng” sang “chất”; diện tích, phạm vi ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất được mở rộng; hình thức tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến, đi vào chủ sâu; các chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra….

Năm 2023, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 19/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ngành NN-PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%...

Phát triển hình thức sản xuất liên kết chuỗi giữa các các chủ thể ở trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở khu vực nông thôn.

- Mô hình liên kết trồng và tiêu thụ măng tây của HTX Hoa Sen Lương Lỗ, xã Lương Lỗ huyện Thanh Ba, cho thu nhập trên trên 500 triệu đồng/năm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của toàn nghành trong năm 2022. Thủ tướng khẳng định, năm 2023, tình hình thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần năng động, vượt khó để hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra và nhiệm vụ Chính phủ giao. Thủ tướng yêu cầu: Năm 2023 ngành Nông nghiệp cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cụ thể cho từng lĩnh vực; quan tâm hơn nữa đến phát triển thị trường song song với quy hoạch vùng nguyên liệu, tiếp tục thực hiện việc xây dựng nền kinh tế tự chủ gắn với hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công nghệ, ứng dụng công nghệ số, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nắm chắc tình hình biến động trong nước, thế giới để điều hành sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; gắn sản xuất với các chuỗi giá trị gia tăng, chế biến và yêu cầu thị trường. Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn đạt hiệu quả cao. Thúc đẩy nghiên cứu, đồng bộ và ứng dụng vào thực tế các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất; tăng cường sự phối hợp cả về nhận thức và hành động giữa các bộ, ngành, địa phương. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả….

Quân Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/bo-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tong-ket-cong-tac-nam-2022-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023/190339.htm