Chủ trương thiết thực, chia sẻ vất vả với lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã

HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về mức chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã trên địa bàn là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Theo nhiều người dân, mức hỗ trợ này là cần thiết, hợp lý dựa trên những căn cứ pháp lý và tình hình thực tế....

Cấp cơ sở thấp nhất nhưng phải thực hiện khối lượng công việc lớn

Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã thuộc Công an thành phố được giao trong chỉ tiêu biên chế. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng áp dụng quy định tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ...

Theo tờ trình của UBND thành phố, dự kiến kinh phí chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 97 tỷ đồng/năm (4.487 đồng chí được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng), trong khả năng cân đối của ngân sách thành phố.

Về cơ sở pháp lý, Nghị quyết được ban hành căn cứ Luật Thủ đô 2012, Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Công an nhân dân sửa đổi, Nghị quyết số 12- của Bộ Chính trị…cùng hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Công an xã yêu cầu người dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Công an xã yêu cầu người dân ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Căn cứ ý kiến của Thường trực Thành ủy về chủ trương ban hành chính sách và chấp thuận của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành chính sách hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết cũng xuất phát từ yêu cầu thực tế, tính chất công việc của lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân gồm có 4 cấp, trong đó, lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã thuộc Công an cấp xã, là cấp cơ sở, cấp thấp nhất nhưng phải thực hiện khối lượng công việc lớn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của ngành cũng như phục vụ công tác tiếp dân, xử lý các thủ tục hành chính theo chính quyền địa phương.

"Đa tài”, “đa ngành” nhất

Theo thống kê sơ bộ, có 19 nhiệm vụ với hơn 100 đầu việc đang được Cảnh sát khu vực (CSKV), Công an xã (CAX) thực hiện theo quy định của Bộ Công an, mỗi nhiệm vụ, mỗi đầu việc là thường xuyên, liên tục, không có “kết thúc”; chưa kể đến mỗi công việc đòi hỏi Cảnh sát khu vực phải có tinh thần trách nhiệm cao, tỉ mỉ, thận trọng nhưng vẫn phải linh hoạt, nhạy bén… Vì vậy, áp lực công việc của Cảnh sát khu vực, công an xã là rất lớn.

Hiện trên địa bàn Thành phố có hơn 1.700 Cảnh sát khu vực thuộc tổ Cảnh sát khu vực, Công an phường, thị trấn và hơn 2.700 Công an xã, phụ trách địa bàn rộng, dân số đông kéo theo đó nguy cơ tiềm ẩn, phức tạp về ANTT, áp lực về việc thực hiện các thủ tục hành chính, công tác tiếp dân…

Tính trung bình 1 CSKV, CAX phụ trách 577 hộ, 1.950 nhân khẩu, trong đó có 501 hộ, 1.764 nhân khẩu thường trú. Mỗi Cảnh sát khu vực, Công an xã phải nắm thông tin đầy đủ cả về nhân thân, quan hệ, con người thậm chí cả di biến động….và làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ theo quy định của công tác Công an.

Công an xã tiếp nhận thông tin trình báo từ người dân

Công an xã tiếp nhận thông tin trình báo từ người dân

Như vậy có thể nói, trong ngành Công an, Cảnh sát khu vực, Công an xã là “đa tài”, “đa ngành” nhất vì vừa làm công tác quản lý hành chính, vừa làm công tác phòng, chống tội phạm, cảnh sát trật tự, phòng cháy chữa cháy.

Ngoài ra, từ 2023 đến nay, Bộ Công an đã thực hiện bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra ở Công an cấp xã thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án hình sự dẫn đến tăng thêm trách nhiệm, áp lực, yêu cầu về công tác chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ pháp luật của lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã…

Bên cạnh đó, công việc của lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xếp loại công việc, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm loại IV; CBCS phải thường xuyên làm việc ngoài giờ, làm việc ban đêm và làm việc trong môi trường căng thẳng, khi Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước mỗi năm…

Trong những năm qua, Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm Đề án số 06, triển khai 2 Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” - chưa từng có tiền lệ. Thành phố Hà Nội đã “đi trước mở đường”, trong đó, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã là nòng cốt triển khai thực hiện.

Tính trung bình 1 Cảnh sát khu vực, Công an xã phải tiến hành xác minh, nhập, thường xuyên theo dõi dữ liệu 1.950 công dân, quá trình xác minh theo nhiều cách khác nhau, tốn công, tốn sức và mất chi phí cá nhân khá lớn.

Tuy nhiên, cho đến nay, lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã thuộc Công an Thành phố chưa hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố. Do vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Công an xã - lực lượng trực tiếp thực thi các nhiệm vụ bảo vệ ANTT, TTATXH tại mỗi địa bàn cơ sở cấp xã là cần thiết, thể hiện tính ưu việt, sự quan tâm của Thành phố đối với lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phù hợp chủ trương, chính sách quy định tại Luật Thủ đô.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chu-truong-thiet-thuc-chia-se-vat-va-voi-luc-luong-canh-sat-khu-vuc-cong-an-xa-post581917.antd