Bỏ phố về quê 'làm bạn' với tre, trúc
Phía sau các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tre, trúc được người tiêu dùng ưa thích là những tâm huyết, nỗ lực không ngừng của vợ chồng anh Trịnh Đình Toàn và chị Trần Thị Thủy.
Những năm gần đây, tên HTX tre Thăng Thọ - gắn liền với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, trúc không còn xa lạ với người tiêu dùng. Từ nguyên liệu tre, trúc mộc mạc, qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên các sản phẩm thủ công đẹp mắt.
Quê ở xã Thăng Thọ, từ nhỏ anh Toàn có sở thích đặc biệt với việc tạo tác các sản phẩm sáo trúc. Sau khi tốt nghiệp một trường kỹ thuật, anh Toàn lập nghiệp và xây dựng gia đình tại một tỉnh phía Nam. Ngoài thời gian đi làm ở công ty, khi rảnh rỗi anh Toàn thường tự làm các sản phẩm sáo trúc để bán. Các sản phẩm sáo trúc anh làm được nhiều người yêu thích.
Là người nhạy bén, ngoài sáo trúc, anh Toàn nhanh chóng nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng về những sản phẩm thân thiện với môi trường như ống hút tre. Nghĩ là làm, năm 2018 anh quyết định nghỉ việc công ty để dành toàn bộ thời gian cho việc sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc. Vốn là dân kỹ thuật, anh mày mò chế tạo máy móc tự động để tạo ra các sản phẩm từ tre, trúc... và thành lập doanh nghiệp sản xuất. Khi hoạt động sản xuất mở rộng, chị Thủy - vợ anh Toàn cũng quyết định nghỉ dạy học để dồn sức cùng chồng lập nghiệp trên vùng đất khách.
Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang thuận lợi thì đại dịch COVID-19 xảy đến khiến mọi thứ ngừng trệ, khó khăn chồng chất. “Chính trong những ngày gian khó ấy, tôi đã suy nghĩ thật nhiều, và ý tưởng lóe lên, xứ Thanh quê mình là vùng nguyên liệu của tre, trúc... tại sao không chuyển về quê để sản xuất... Và sau nhiều ngày suy nghĩ, năm 2021, vợ chồng tôi quyết định chuyển toàn bộ máy móc sản xuất từ xưởng trong Đồng Nai về quê nhà Thăng Thọ”, anh Toàn chia sẻ.
Sau khi về quê, năm 2022, vợ chồng anh Toàn quyết định thành lập HTX tre Thăng Thọ.
Bên cạnh sản phẩm chủ lực là ống hút (đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao), hiện nay, HTX tre Thăng Thọ còn đa dạng sản phẩm: khay đựng, cốc tre, các loại hộp... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX tre Thăng Thọ không chỉ bán lẻ theo phương thức truyền thống mà còn được phân phối trên nhiều “kênh” online như Shopee; Tiktok; Facebook... Nhờ đó đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất và góp phần ổn định doanh thu.
Sau 3 năm thành lập, đến nay HTX tre Thăng Thọ tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương và 20 lao động thời vụ, doanh thu bán hàng trung bình khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bo-pho-ve-que-lam-ban-voi-tre-truc-nbsp-34912.htm